Will Durant
Lịch sử văn minh Ấn Độ
Người dịch: Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG VII
VĂN HỌC ẤN ĐỘ
I. CÁC NGÔN NGỮ CỦA ẤN
Tiếng Sanscrit – Các thổ ngữ - Ngữ pháp.
Ở châu Âu thời Trung cổ, các tác phẩm triết học và đa số các tác phẩm văn
học đều viết bằng một tử ngữ, quần chúng không hiểu, thì ở Ấn cũng vậy,
các tác phẩm triết học và văn học thời cổ điển đều viết bằng tiếng Sanscrit,
một ngôn ngữ đã từ lâu lắm không ai nói, nhưng vẫn còn được dùng như
một espéranto (thế giới ngữ) trong giới các học giả để trao đổi tư tưởng với
nhau
. Vì không còn liên hệ tới đời sống của dân tộc, thứ ngôn ngữ văn
chương đó lần lần hoá ra cực cầu kì, cổ hủ, rởm; nó không thu nhận những
từ ngữ do dân chúng tự nhiên tạo ra, mà muốn thoả mãn nhu cầu dạy giáo
lí, nó phải nguỵ tạo thêm dụng ngữ, tới nỗi rốt cuộc tiếng Sanscrit của các
triết gia mất hết sự giản dị hùng tráng trong các thánh ca của các kinh Veda
mà thành một thứ tiếng kì quái có những từ (mot) dài vô tận y như những
con sán ghê tởm trườn hết hàng trên xuống đến hàng dưới
Nhưng vào khoảng thế kỉ thứ V trước Công nguyên, dân chúng miền Bắc
Ấn Độ đã biến đổi tiếng Sanscrit thành tiếng Prakrit, cũng gần như người
Ý biến đổi tiếng La Tinh thành tiếng Ý; tiếng Prakrit được dùng trong một
thời gian để truyền bá đạo Phật và đạo Jaïn, rồi lại biến đổi để thành tiếng
Pali, những kinh, sách cổ nhất của đạo Phật hiện nay chúng ta còn giữ được
viết bằng tiếng Pali đó. Khoảng cuối thế kỉ thứ X sau Công nguyên, những
“Ấn ngữ chuyển tiếp” đó phát sinh ra nhiều thổ ngữ mà thổ ngữ quan trọng
nhất là tiếng Hindi. Tới thế kỉ XII, tiếng Hindi chuyển thành tiếng