Gần đó có một vương quốc nữa tên là Videha, dân chúng ở dưới quyền của
vua Janak cũng được an cư lạc nghiệp. Cũng can đảm, giản dị như
Cincinnatus [một viên Chấp chính thời xưa ở La Mã], nhà vua “cầm cày,
cày lấy ruộng”. Một hôm, đương cày, ông thấy trong luống cày, dưới lưỡi
cày ngoi lên một thiếu nữ tuyệt đẹp, nhà vua bèn đem về nuôi, và nàng
thành công chúa. Sau đó ít lâu, nàng tới tuổi cặp kê, nhà vua tổ chức một
cuộc thi để lựa phò mã: hễ thanh niên nào uốn cong nổi cây cung của nhà
vua thì sẽ được làm phò mã. Trong số các thanh niên rắp ranh “bắn sẻ”, có
hoàng tử Rama, con cả của vua Dasaratha. Chàng có “bờm sư tử, mắt như
hạt sen, chàng đẹp như chúa sơn lâm (tức voi) cặp ngà thật mạnh, bím tóc
xoắn lấy nhau”. Khi thử sức, thì chỉ có mình chàng là uốn nổi cây cung và
vua Janak gả công chúa cho chàng, theo đúng lễ nghi Ấn, đọc những lời
dưới đây:
Đây là Sita, ái nữ của Janak mà Janak quí hơn sinh mệnh của mình;
Từ nay con gái ta sẽ chia xẻ những đức của hoàng tử, thành hiền thê của
hoàng tử.
Sẽ đồng cam cộng khổ với hoàng tử, dù đi đâu cũng có nhau;
Hoàng tử nắm tay nó đi, vui hay buồn thì vợ chồng cũng yêu nhau;
Vợ chồng như bóng theo hình,
Và Sita, con của ta, người vợ hiền nhất từ nay sẽ theo
Hoàng tử suốt đời, cho tới lúc chết.
Rama dắt nàng Sita “trán như ngà, môi tựa san hô, răng sáng ngời như hạt
châu” về Ayodhya. Tính tình hiếu thảo, tấm lòng rộng rãi, vẻ người duyên