Và ruộng nương năm nào cũng vui vẻ được mùa.
Mưa thuận gió hoà, không bao giờ có những cơn giông tàn phá
Thung lũng nào, vườn tược và đồng cỏ nào cũng xanh tốt.
Đâu đâu cũng nghe tiếng dệt vải và tiếng búa đập trên đe; đất cày bừa kĩ
và phì nhiêu,
Toàn dân sống trong cảnh vui vẻ như thời tổ tiên họ.
Truyện thật hay và nhà phê bình thời nay dù rất nghiêm khắc, đọc cũng vẫn
có thể thấy thú nếu còn giữ tâm hồn cho tươi mát để thỉnh thoảng thưởng
thức được tiểu thuyết và nhạc trong thơ. Những trường ca đó có lẽ kém tác
phẩm của Homère về mặt văn chương – bố cục không hợp lí bằng, lời văn
không bóng bẩy bằng, mô tả nhân vật đôi khi kém sâu sắc, không trọng sự
thực bằng – nhưng bù lại, diễn những tình cảm đẹp đẽ, một ý niệm cao
thượng về bổn phận của đàn ông và đàn bà, và có những bức hoạ mạnh mẽ,
tới mức tả chân. Rama và Sita hoàn toàn quá, khó mà có thực được, nhưng
các nhân vật Draupadi và Yudhishthira, Dhrita-rashtra và Gandhari cũng
gần sinh động bằng Achille và Hélène, Ulysse và Pénélope. Một người Ấn
nhận định rất đúng rằng một người ngoại quốc khó mà hiểu các trường ca
đó được, đừng nói chi là phê phán nữa; vì đối với người Ấn, những trường
ca đó không phải là những truyện như mọi truyện khác; mà là cả một cuộc
triển lãm các nhân vật trong huyền thoại của Ấn để người Ấn nhìn vào đó
mà học cách cư xử, biết giữ phẩm hạnh; nó là một tập ghi lại các truyền
thống, triết học và tôn giáo của dân tộc; người Ấn kính cẩn đọc những
trường ca đó cũng gần như người theo Ki Tô giáo đọc cuốn Imitation de
Jésus Christ (Noi gương chúa Ki Tô) hoặc cuốn Vies des Saints (Đời các vị
Thánh). Người Ấn mộ đạo tin rằng Krishna và Rama là hậu thân của các
thần linh, ngày nay họ còn cầu nguyện, khấn vái các nhân vật đó, và khi
đọc truyện của Krishna và Rama trong các trường ca vĩ đại đó, ngoài cái