Harsha một bức chân dung lí tưởng, không đúng sự thực. Những kí sự của
xứ Rajputana có vẻ là những truyện anh hùng ái quốc hơn là sử. Chỉ có mỗi
một văn hào Ấn là có vẻ nhận định được đúng nhiệm vụ của sử gia.
Kalhana, tác giả bộ Rajatarangini (Dòng các vua chúa), viết: “Chúng ta chỉ
nên phục thi hào nào khi tả dĩ vãng mà có thái độ một phán quan, không
thiên lệch, không yêu không ghét”. Winternitz cho ông là đại sử gia duy
nhất của Ấn.
Người Hồi có khiếu về sử hơn và đã ghi chép cho ta vài thiên rất hay về vũ
công của họ ở Ấn. Chúng tôi đã kể công trình của Alberuni về nhân chủng
ở Ấn, và những hồi kí của Babur. Đồng thời Akbar, có một sử gia rất giỏi,
Muhammad Qazim Firishta, bộ Ấn Độ sử của ông là bộ quí nhất về các
biến cố trong thời Ấn Độ bị Hồi thống trị. Abu-I-Fazl không được vô tư
bằng ông. Vừa làm tể tướng vừa là bạn thân của Akbar, Abu-I-Fazl đã ghi
chép lại cách trị dân, phương pháp hành chánh của Akbar trong một cuốn
nhan đề là Ain-i Akbari (Pháp luật cương yếu của Akbar), và kể đời của nhà
vua bằng một giọng kính mến rất cảm động – điều đó không đáng trách –
trong cuốn Akbar Nama. Nhà vua cũng quí mến ông và khi hay tin Jehangir
đã giết ông thì rất đỗi buồn rầu, thốt lên: “Salim (tức Jehangir) có muốn lên
ngôi hoàng đế thì cứ giết ta đi mà để cho Abu-I-Fazl sống”.
Ở Ấn, còn một thể nữa ở giữa thể ngụ ngôn và thể sử kí, tức thể truyện
bằng văn vần
, nhiều vô kể, khéo viết, đủ thoả mãn được xu hướng
lãng mạn của tâm hồn Ấn Độ. Từ đầu Công nguyên, một tác giả tên là
Gunadhya đã viết bộ Brihatkatha (Truyện dài) gồm trăm ngàn đoạn thơ
; một ngàn năm sau, Somadeva viết bộ Kathasaritzagara (Đại dương
của các dòng sử), thật là một tiểu thuyết tràng giang dài tới 21.500 đoạn
thơ. Cũng ở thế kỉ XI đó, một tiểu thuyết gia có tài mà chúng ta không biết
rõ tính danh, tìm được một cốt truyện tài tình cho tác phẩm
Vetalapanchavimchatika (Hai mươi lăm truyện ma cà rồng) của ông. Ông ta
tưởng tượng vua Vikramaditya mỗi năm được một tu sĩ ở ẩn dâng một trái
cây chứa một viên ngọc quí. Nhà vua hỏi ẩn sĩ muốn được đền ơn cách nào;