* *
Thế kỉ XI, các ngôn ngữ bình dân bắt đầu thay thế ngôn ngữ cổ điển trong
các tác phẩm văn học, cũng như châu Âu thế kỉ XII. Thi sĩ đầu tiên có thực
tài dùng ngôn ngữ bình dân để sáng tác là Chand Bardai. Ông ta viết một
trường thi lịch sử bằng tiếng Hindi, gồm sáu chục ngâm khúc, tiếc thay ông
không được sống thêm để hoàn thành tác phẩm. Sur Das, thi sĩ mù ở Agra,
viết sáu vạn câu thơ chép các truyền kì về thần Krishna; tương truyền rằng
chính thần Krishna tiếp tay với ông, ông đọc cho thần chép và thần bằng
lòng chép, chép mau quá, ông đọc không kịp nữa. Trong thời gian đó, một
tu sĩ, Chandi Das, làm chấn động cả xứ Bengale, vì những bài thơ tình, theo
kiểu thơ Dante gởi cho Béatrice, giọng lãng mạn, cuồng nhiệt, lí tưởng hoá
người yêu, coi nàng là tượng trưng thần linh và mối tình của ông tượng
trưng lòng khát khao muốn nhập vào, tan vào Thượng Đế; thơ viết bằng
tiếng Bengali và tiếng này bắt đầu nhập tịch văn học Ấn Độ từ đó. “Em,
anh đã núp ở dưới chân em. Vắng bóng em thì tinh thần anh không yên…
Anh không thể quên cái vẻ đẹp, cái duyên dáng của em được, vậy mà trong
lòng anh không bợn một chút dục tình nào cả”. Bị các Bà La Môn, các đạo
hữu trục xuất vì cớ ông làm chấn động dư luận, ông đành long trọng tuyên
bố từ bỏ người yêu, nàng Rani, nhưng khi ông thấy bóng nàng trong đám
đông lại dự buổi lễ thì ông phủ nhận lời hứa, chạy về phía thiếu nữ, quì
dưới chân nàng, chấp tay đưa lên như khấn một nữ thần.
Thi hào lớn nhất của lịch sử văn học Ấn Độ là Tulsi Das, gần đồng thời với
thi hào Anh Shakespeare. Mới sanh ra ông bị cha mẹ bỏ vì sanh vào giờ
xấu. Một tu sĩ sống khổ hạnh trong rừng đem ông về nuôi làm con, dạy cho
ông thuộc huyền thoại về Rama. Ông cưới vợ, và khi con trai ông chết, ông
vô rừng sống một đời khổ hạnh, tham thiền. Ở đó và ở Bénarès, ông viết
trường ca tôn giáo nhan đề là Ramacharitamanasa (Hồ các truyền kì về
Rama), trong đó ông chép lại truyện thần Rama mà ông khuyên mọi người
Ấn thờ phụng làm Đấng Tối Cao. Ông bảo: “Chỉ có mỗi một Thượng Đế là
Rama, Đấng sáng tạo ra trời đất và cứu tội cho nhân loại… Vì thương dân