nghệ thuật chạm nổi đó đã đạt tới tột đỉnh. Một nhà chuyên môn rất sành
bảo rằng bức tường rào ở Amaravati là “đoá hoa đẹp nhất, có xuân tình
nhất của ngành điêu khắc Ấn”.
Cũng vào thời đại đó, nhờ sự bảo trợ của các vua Kushan, một phái điêu
khắc khác phát triển trong tỉnh Gandhara, tại Bắc Ấn. Triều đại bí mật này
xuất hiện thình lình ở phương Bắc – có lẽ là gốc Bactriane – Hi Lạp – đem
vào ngành điêu khắc Ấn một chút khuynh hướng Hi Lạp, bắt chước các
hình dáng Hi Lạp. Phái Đại Thặng thắng ở hội nghị Kanisha rồi bãi bỏ sự
cấm đoán thờ hình tượng, mở rộng cửa cho ngành điêu khắc. Dưới sự chỉ
huy của các bậc thầy Hi Lạp, ngành điêu khắc Ấn chịu ảnh hưởng của nghệ
thuật Hi Lạp; Phật Tổ có hình dáng, nét mặt gần giống thần Apollon và có
vẻ muốn leo lên đỉnh Olympe, tức nơi ngự trị của các vị thần Hi Lạp; các vị
thần và thánh Ấn Độ cũng quấn những áo, khăn lướt thướt như trên các
hiên đền thờ của nhà điêu khắc Phidias và ta thấy những vị Bồ tát nghiêm
trang, mộ đạo chen vai thích cánh với bọn Silène (thần sông, suối Hi Lạp)
say rượu. Người ta đục cho Phật Tổ và môn đồ của Ngài những bức tượng
mà hình dung đã được lí tưởng hoá, có vẻ gần như đàn bà nữa, ấy là chưa
kể những bức tượng gớm ghiếc theo chủ trương hiện thực thời Hi Lạp suy
đồi, chẳng hạn bức tượng Phật Tổ ở Lahore, chỉ còn da với xương, đếm
được từng chiếc xương sườn và từng đường gân. tóc bới như đàn bà, nét
mặt cũng như đàn bà mà lại râu ria xồm xoàm. Nghệ thuật nửa Phật giáo
nửa Hi Lạp đó đã gây một ấn tượng mạnh cho Huyền Trang và có lẽ chính
ông với các nhà sư hành hương qua Ấn sau ông đã du nhập nghệ thuật đó
vô Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản; nhưng ảnh hưởng của nó tới ngành
điêu khắc, ngay cả ở Ấn, cũng không được bền. Thịnh được vài thế kỉ, phái
Gandhara mất hẳn và nghệ thuật thuần tuý Ấn xuất hiện trở lại dưới các
triều đại bản xứ, lại theo các truyền thống do các nghệ sĩ Bharhut,
Amaravati và Mathura để lại, không còn lưu tâm chút gì tới phái Gandhara
lai Hi Lạp nữa.
Dưới các triều đại Gupta, ngành điêu khắc cũng thịnh như mọi ngành khác.