Các công trình kiến trúc trước thời đại Açoka, nay không còn gì cả. Ở
Mohenjo-daro chỉ còn những đống gạch vụn, mà các nhà cửa, đền chùa ở
thời Veda và thời Phật giáo có lẽ cất toàn bằng gỗ. Có lẽ Açoka là ông vua
đầu tiên dùng đá để xây cất. Trong cổ thư có nói tới những ngôi nhà bảy
từng và những lâu đài rất đẹp, nhưng nay không còn chút di tích nào cả.
Mégasthènes tả cung điện của Chandragupta, khen là đẹp hơn cả những
cung điện Ba Tư thời đó, trừ cung điện ở Persépolis, mà người Ấn đã coi là
kiểu mẫu. Cho tới thời Açoka, Ấn Độ còn chịu ảnh hưởng đó của Ba Tư;
coi bản đồ cung điện Açoka, ta thấy nó giống bản đồ điện Trăm Cột ở
Persépolis; cột trụ Açoka ở Lauriya trên đỉnh có một đầu cột hình đầu sư
tử, cũng là chịu ảnh hưởng kiến trúc Ba Tư.
Khi Açoka cải giáo, theo đạo Phật rồi thì kiến trúc Ấn trút bỏ hết ảnh
hưởng ngoại lai mà lần lần mượn các tượng trưng và nguồn hứng của tôn
giáo mới. Sự thay đổi đó thấy rõ trên cái đầu cột lớn, di tích duy nhất còn
lại của một cột trụ khác ở Sarnath, trong thời đại Açoka, kĩ thuật bố trí đã
hoàn hảo và ông John Marshall khen là không kém các công trình thời cổ
đẹp nhất trong loại đó; chúng ta thấy bốn con sư tử đâu lưng vào nhau trong
thế tự vệ; dáng điệu thì chịu ảnh hưởng của Ba Tư, nhưng ở dưới bốn con
sư tử đó, có một trụ ngạch dài trạm trổ rất khéo, và ta nhận ra được một con
vật hoàn toàn ở Ấn Độ, như con voi, với hình bánh xe luân hồi, tiêu biểu
cho Ấn Độ; ở phía dưới trụ ngạch có một bông sen lớn bằng đá mà mới đầu
người ta tưởng là một kiểu trang sức của Ba Tư, bây giờ ai cũng nhận rằng
đó là kiểu cổ nhất, lưu hành nhất, đặt biệt nhất trong mọi kiểu tượng trưng
của nghệ sĩ Ấn. Bông sen đó hướng lên trên, nhưng cánh rủ xuống đất,
nhuỵ hiện rõ ràng, có vẻ như cái rốn của vũ trụ, hoặc được dùng làm cái
ngai cho một vị thần vì người Ấn cho nó là hình đẹp nhất trong thiên nhiên.
Cách dùng bông sen với ý nghĩa tượng trưng đó lan qua Trung Hoa và Nhật
Bản. Một hình tương tự dùng để vẽ các kiểu cửa và cửa sổ, lần lần biến
thành hình “móng sắt ngựa” của các khung vòm và mái tròn thời Açoka;