hình này có lẽ mới đầu là hình các mái nhà lợp rạ khum khum như mui vải
các xe bò mà người Bengali căng lên trên một cái sườn bằng tre uốn cong.
Kiến trúc tôn giáo thời Phật giáo, nay chỉ còn lại vài ngôi đền hoang tàn,
nhưng trái lại người Ấn còn giữ được vô số “topa” và tường rào. Thời khai
thuỷ, từ ngữ “topa” hoặc “stupa” trỏ một nắm mồ; tới thời Phật giáo nó trỏ
một cái tháp, phần nhiều để chứa hài cốt một vị thánh. Thường thường một
“topa” cất theo hình một mái tròn bằng gạch trên đỉnh có một chóp nhọn
chung quanh có tường rào bằng đá chạm nổi. Một trong những cái topa cổ
nhất chúng ta được biết là topa Bharhut, nhưng hình chạm nổi thô lậu quá.
Bức tường rào đẹp nhất còn giữ được là bức tường Amaravati, mà bề mặt
những chỗ chạm nổi tới một ngàn sáu trăm mét vuông, đục rất khéo, rất có
nghệ thuật, tới nỗi Fergusson khen là “có lẽ Ấn Độ không có công trình nào
đẹp hơn nữa”. Stupa nổi danh nhất là stupa Sanchi, nó là một bộ phận trong
một toàn thể mà du khách có thể lại coi ở Bhilsa, miền Bhopal. Những
cổng bằng đá của nó có lẽ bắt chước kiểu các cổng bằng gỗ, giống những
pailu và turii mà ở Viễn Đông ta thường thấy khi lại gần các ngôi đền. Mỗi
cái cột, mỗi cái đầu cột, mỗi cái cây tréo, mỗi cây chống đỡ đều đầy hình
chạm nổi hỗn tạp đủ các thảo mộc, thú vật, người và thần thánh. Trên một
cái cột ở cổng phía Đông, có một mặt đá chạm rất khéo hình tượng trưng
đạo Phật – tức gốc Bồ Đề nơi mà Phật đã giác đạo; cũng trên cổng đó, ta
còn thấy một nữ thần điệu bộ dâm đãng (nữ thần Yakshi) chân tay nặng nề,
mông đầy, bụng thon, vú nhô ra đồ sộ.
Trong khi hài cốt các vị thánh nằm trong các topa, thì các tu sĩ đục đá,
chạm trổ trong các ngôi đền, tránh mưa tránh nắng, mà lại được an tĩnh
nhàn nhã. Muốn nhận định được sức mạnh của tinh thần tôn giáo ở Ấn,
chúng ta chỉ cần nhớ rằng ngày nay còn khoảng trên một ngàn hai trăm cái
đền-hang trong số mấy ngàn cái đục vào các thế kỉ đầu tiên của Công
nguyên, một số là đền Jaïn, đền Bà La Môn, đa số là chùa Phật. Xét chung
thì cửa vô các Vihara (tu viện) đó chỉ là một cái cổng hình móng sắt ngựa
hoặc hình bông sen; đôi khi, như ở Nasik, cổng là cả một mặt tiền gồm