cho là ngôi đền lớn nhất thế giới nữa – không phải ở trên đất Ấn mà ở trên
đảo Java. Thế kỉ thứ VIII, triều đại Shailendra ở Sumatra chiếm được đảo
Java, đưa đạo Phật lên thành quốc giáo, bỏ tiền ra xây cất ngôi chùa vĩ đại
Borobudur (nghĩa là Chùa Nhiều Phật)
. Ngôi chùa chính nhỏ thôi, có
một cách bố trí khá đặc biệt - ở giữa là một stupa nhỏ mái tròn, chung
quanh có bảy mươi hai cái topa sắp theo hình những vòng tròn đồng tâm.
Nếu chỉ có bấy nhiêu thì chùa Borobudur đã có gì là đáng kể? Nó vĩ đại là
vì có cái bệ mênh mông (mastaba), vuông vức, mỗi chiều một trăm hai
chục thước, cao bảy từng, càng lên cao càng hẹp lại. Đi tới mỗi góc lại thấy
những tượng mới; có hết thảy 436 tượng Phật, mỗi tượng có những nét
khác nhau. Rồi thấy như vậy là chưa đủ, người Java còn đục trong vách đá
của bảy từng, hết thảy được năm cây số hình chạm nổi ghi lại đời Phật Tổ,
từ khi Ngài sanh đến khi Ngài đắc đạo, nét đục rất tinh vi, khắp châu Á
không nơi nào đẹp bằng. Ngôi chùa đó và các ngôi đền Bà La Môn ở
Prambanam cũng gần đó, đánh dấu sự tiến bộ tột đỉnh của môn kiến trúc
Java, sau đó bắt đầu ngay thời kì suy vi. Trong một thời gian, Java là một
hải quốc hùng cường, sống trong cảnh giàu có, xa hoa, có cả một thi phái
nữa. Nhưng năm 1479, người Hồi chiếm cảnh thiên đường ở miền nhiệt đới
đó, và Java không còn sản xuất được một công trình nghệ thuật nào cả.
Năm 1595, người Hoà Lan ghé vào bờ biển họ, và trong thế kỉ sau, bọn
xâm lăng đó lần lần chiếm hết tỉnh này tới tỉnh khác, rồi thống trị được toàn
đảo.
*
Chỉ có mỗi một đền Ấn là vĩ đại hơn chùa Borobudur mà đền đó cũng ở xa
Ấn Độ, bị rừng rậm bao phủ, che lấp trong mấy thế kỉ. Năm 1858, một nhà
thám hiểm Pháp ngược thung lũng sông Cửu Long, bỗng thấy lấp ló sau
đám cây trong một khu rừng, một ngôi đền vĩ đại, uy nghi lạ lùng, bị cây
cối và dây leo che phủ hết; y như một ảo ảnh thần kì vậy. Cũng ngày hôm
đó, ông ta tìm thấy được nhiều ngôi đền nữa, có ngôi đã bị rễ cây len lõi vô,
làm cho các phiến đá rời ra, đổ xuống; ông ta có cảm tưởng tới đúng lúc để