LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ - Trang 361

lên nhau chứ không có hồ, rời rã, nghiêng đổ, mà hình Brahma và Shiva ở
trên các tháp, chỉ còn là những bộ mặt to lớn, nhăn nhó, không còn một nét
thần linh nào cả. Ba thế kỉ sau, bọn nô lệ của nhà vua và tù binh xây dựng
đền Angkor Wat, một công trình kiến trúc có thể so sánh được với công
trình đẹp nhất của Ai Cập, Hi Lạp, và những giáo đường đẹp nhất thời
Trung cổ. Chung quanh ngôi đền là một cái hào vĩ đại, dài gần hai chục cây
số, có một cái cầu lát đá bắc qua hào, hai bên là những hình rắn Naga coi
thấy ghê, qua cầu rồi thì tới một bức tường thành trang hoàng rất đẹp, rồi
tới những dãy hành lang rộng chạm nổi những chuyện kể trong anh hùng ca
MahabharataKamayana; sau cùng tới ngôi đền, uy nghi trên một cái bệ
rộng có những bậc thang đưa lên, càng lên cao bệ càng hẹp lại, như hình
kim tư tháp, lên tới chót vót, ở trên cao sáu chục mét, là vô điện thờ. Ngôi
đền kích thước đồ sộ như vậy mà không thô, trái lại vẫn đẹp, có một vẻ
lộng lẫy mà uy nghi, làm cho du khách phương Tây tưởng tượng được một
phần nào – rất nhỏ thôi – tính cách hùng tráng của văn minh cổ phương
Đông. Ta tưởng tượng đám dân chúng trong kinh đô, đám nô lệ tập hợp lại,
kẻ đẽo, đập, người kéo, bứng những phiến đá nặng, và bọn thợ chạm nổi,
đục thành tượng, thủng thẳng, kiên nhẫn như thể có cả một thời gian vô
cùng để sống; các tu sĩ đi qua đi lại, rầy mắng, an ủi; các devadasi (còn
hình trên các phiến đá hoa cương) an ủi lại các tu sĩ; giới quí tộc xây những
cung điện có bệ rộng mênh mông rực rỡ, như điện Phinean-Akas; và ở trên
cả đám người đó, do công lao của họ, các ông vua hùng cường, tàn nhẫn
được đề cao, quyền uy lớn thêm, ngang với thần thánh.

Các ông vua đó, cần dùng nhiều nô lệ, tất thích gây chiến. Họ thường chiến
thắng, nhưng vào cuối thế kỉ XIII – khoảng “giữa đường đời” của Dante

[7]

– đạo quân Xiêm thắng quân Khmer, tàn phá châu thành của họ và các đền
đài, cung điện rực rỡ của họ hoá ra hoang tàn. Ngày nay, thỉnh thoảng có
vài du khách thơ thẩn giữa những đống đá ngổn ngang đó, ngạc nhiên rằng
sức cây cối sao mà mạnh thế, cành và rễ nó len lỏi vào những khe đá,
những chỗ rạn nứt trên tường mà làm cho các phiến đá rã rời ra, đổ sụp. Có
gì đâu? Chỉ vì đá không có thị dục và không thể lớn lên được.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.