Chu Đạt Quan nhắc tới nhiều cuốn sách do người Angkor viết, nhưng ngày
nay thất lạc hết, không còn lấy một trang; cũng như chúng ta, các văn sĩ
thời đó viết những tư tưởng có thể bị huỷ diệt trên một chất cũng dễ bị huỷ
diệt, và tất cả những vị “bất tử” của họ nay đã chết hết rồi. Những hình
chạm nổi rất đẹp ở đền Angkor cho ta biết dân thời đó trùm khăn voan và
lưới để muỗi mòng, rắn rết khỏi cắn. Những người đó, đàn ông và đàn bà,
chút tàn cốt còn không, hay chỉ còn hình ảnh ở trên đá? Nhưng muỗi và rắn
mối thì còn đó.
*
Ở Xiêm, một xứ sát nách, một dân tộc gốc nửa Trung Hoa, nửa Tây Tạng,
lần lần đuổi được bọn xâm lăng Khmer và dựng được một nền văn minh
chịu ảnh hưởng nghệ thuật và tôn giáo Ấn. Sau khi thắng người Cao Miên
rồi, họ dựng một kinh đô mới, Ayuthia, trên nền cũ của một thị trấn Khmer.
Họ mở mang lần lần đất đai và khoảng 1.600, đế quốc của họ gồm miền
Nam Miến Điện, Cao Miên và bán đảo Mã Lai. Họ thông thương với Trung
Hoa ở phía Đông và tới cả châu Âu ở phía Tây. Nghệ sĩ của họ tô điểm các
sách chép tay, tô màu bằng sơn vẽ lên gỗ, nung các đồ sứ theo cách Trung
Hoa, thêu trên lụa rất khéo, và đôi khi tạc những tượng rất đẹp nữa. Rồi
theo cái luật tuần hoàn rất vô tư của lịch sử, người Miến Điện lại qua chiếm
kinh đô Ayuthia của Xiêm, tàn phá hết, không còn lưu lại một công trình mĩ
thuật nào cả. Tại kinh đô mới ở Bangkok, người Xiêm xây một ngôi chùa
lớn trang sức quá nhiều, nhưng không che lấp hết các nét đẹp của kiến trúc.
*
Người Miến Điện đáng được coi là một trong những dân tộc giỏi xây cất
nhất ở châu Á. Từ Mông Cổ và Tây Tạng tới, họ gặp ngay một miền phì
nhiêu, định cư, định quốc danh là Miến Điện, chịu ảnh hưởng của văn minh
Ấn Độ, và từ thế kỉ thứ V sản xuất được nhiều bức tượng thờ Phật, thờ