Will Durant
Lịch sử văn minh Ấn Độ
Người dịch: Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG IX
ẤN ĐỘ VÀ KI TÔ GIÁO
I. BỌN GIẶC BIỂN ĐẮC THẾ
Người Âu tới Ấn – Anh chiếm Ấn – Cuộc khởi nghĩa Cipaye – Sự thống trị
của Anh: lợi và hại.
Về nhiều phương diện, nền văn minh Ấn Độ có thể coi như chết rồi khi
Clive và Warren Hastings thấy nguồn lợi phong phú của xứ đó. Triều đại
rất dài của Aureng-Zeb đã làm cho tinh thần dân tộc suy nhược nhiều; kế
đó, loạn lạc và chiến tranh xảy ra làm cho Ấn như một trái chín mùi khi có
ngoại xâm. Vậy chỉ còn có vấn đề này là số phận của nó sẽ lệ thuộc vào
cường quốc nào ở châu Âu đây. Người Pháp muốn lãnh vai trò đó, nhưng
thất bại và mất Ấn Độ ở trận Rossbach và trận Waterloo
. Người Anh
thử vận và thành công.
Năm 1498, Vasco de Gama, khởi hành từ Lisbonne, sau mười một tháng
lênh đênh trên biển, thả neo ở Calicut, Rijah (vua) ở Malabar, giao cho ông
ta một bức thư nhã nhặn để trình lên vua Bồ Đào Nha: “Ông Vasco de
Gama, một vị quí tộc ở triều đình Đại vương, đã lại yết kiến quả nhân và
quả nhân lấy làm vui lắm. Tệ quốc có nhiều quế, đinh hương, hồ tiêu và
bảo ngọc. Quả nhân muốn đổi lấy vàng, bạc, san hô và dạ đỏ của đại quốc”.
Vua Bồ Đào Nha hồi âm, buộc Ấn phải tự nhận là thuộc địa Bồ Đào Nha,
viện ra những lí lẽ mà Rajah lạc hậu quá không hiểu nổi. Để phá tan mọi sự
hiểu lầm, Bồ Đào Nha phái một hạm đội tới truyền bá Ki Tô giáo và gây
chiến với Ấn. Thế kỉ XVII, người Hoà Lan tới đuổi Bồ Đào Nha đi; thế kỉ
XVIII, Pháp và Anh tới, lại đuổi Hoà Lan đi. Họ giao chiến với nhau kịch