được, mua lại đất đai của Công ty với một giá cao, rồi bắt Ấn phải trả như
một món nợ của toàn thể dân Ấn; thế là đất đai của Công ty thành thuộc địa
của Hoàng gia Anh. Đúng là một cuộc xâm chiếm không trá hình gì cả mà
ta không nên phê phán theo những giới luật người ta tụng mỗi ngày ở phía
Tây kinh Suez; phải phê phán theo những học thuyết của Darwin và
Nietzche: một dân tộc đã mất khả năng tự cai trị lấy mình hoặc mất khả
năng tự khai thác lấy những nguồn lợi thiên nhiên của mình thì nhất định
phải làm mồi cho những quốc gia quá tham lam và quá mạnh.
Nhưng cuộc xâm lăng đó cũng có lợi đôi phần cho Ấn. Những người như
Bentinck, Canning, Munro, Elphinstone và Macaulay đã cai trị Ấn theo tinh
thần rộng rãi, tự do nảy nở ở Anh năm 1832. Nhờ các nhà cải cách bản xứ
như Ram Mohun Roy giúp đỡ, có khi thúc đẩy nữa, Huân tước Bentinck
bãi bỏ tục suttee (hoả thiêu quả phụ) và cấm thói giết người tế thần của giáo
phái Thug. Sau một trăm mười một cuộc hành quân, hết thảy đều dùng lính
Ấn, tiền bạc của Ấn, người Anh chiếm trọn bán đảo, lập được cảnh bình trị,
xây đường xe lửa, dựng xưởng máy, trường học, mở các trường Đại học
Calcutta, Madras, Bombay, Lahore, Allabahad, truyền bá khoa học và công
nghệ học, tiêm lý tưởng dân chủ của phương Tây vào tinh thần phương
Đông và giới thiệu cho thế giới biết nền văn hóa phong phú của Ấn Độ thời
xưa. Nhưng những cái lợi đó, người Ấn đã phải trả bằng một chính sách
độc đoán về tài chính làm cho các chủ nhân ông – tức người Anh – làm
giàu trên xương máu người Ấn, vơ vét hết của cải của Ấn rồi xách vali về
xứ để nghỉ dưỡng sức; bằng một chính sách độc đoán về kinh tế làm suy
sụp nền kĩ nghệ bản xứ, tới nỗi mấy triệu thợ thủ công Ấn thành thất
nghiệp, phải trở về đồng ruộng quá nghèo, cằn, không đủ nuôi họ; sau
cùng, bằng một chính sách độc đoán về chính trị – gần như nối tiếp ngay
chính sách hà khắc, hẹp hòi của Aureng-Zeb – làm cho tinh thần Ấn Độ tan
rã trong một thế kỉ.