II. NHỮNG “VỊ THÁNH CỦA NGÀY CUỐI CÙNG”
Ki Tô giáo ở Ấn – Brahma Somaj – Hồi giáo – Ramakrishna –
Vivekananda.
Trong hoàn cảnh đó, dĩ nhiên là Ấn Độ tìm nguồn an ủi trong tôn giáo. Mới
đầu, trong một thời gian, họ tiếp đón Ki Tô giáo với một tinh thần thân
thiện; họ thấy tôn giáo đó dạy nhiều qui tắc luân lí mà chính họ cũng đã tôn
trọng từ mấy ngàn năm trước; và tu viện trưởng Dubois bảo: “Trước khi
người Ấn biết tư cách cùng phong tục của người Âu thì đạo Ki Tô cơ hồ có
thể truyền vô Ấn Độ được”. Suốt thế kỉ XIX, các nhà truyền giáo cố hò hét,
gióng lên tiếng hô hào của Chúa Ki Tô mặc dầu bị tiếng đại bác lấn át; họ
dựng trường học và nhà thương, phát chẩn, phát thuốc và không quên phát
các sách giáo lí cương yếu, và lần đầu tiên họ làm cho một số người Ấn
nhận rằng hạng “tiện dân” cũng là người như ai. Nhưng rồi người Ấn thấy
lời dạy của Chúa Ki Tô với hành vi của tín đồ Ki Tô sao mà trái ngược
nhau quá, họ đâm hoài nghi, có kẻ mỉa mai, châm biếm nữa. Họ bảo sự tái
sinh của thánh Lazare có gì đáng kể đâu vì tôn giáo họ vẫn luôn luôn thực
hiện được những phép màu lạ lùng hơn nhiều; chứng cớ là các yogi chân
chính hiện nay vẫn làm được nhiều phép màu còn Ki Tô giáo thì có làm
thêm được phép nào mới nữa đâu. Các người Bà La Môn hiên ngang giữ
vững tín ngưỡng, đưa ra một hệ thống tư tưởng cũng tế nhị, thâm thuý và
cũng khó chấp nhận, để chống lại các chính giáo phương Tây. Charles Eliot
bảo: “Sự truyền bá Ki Tô giáo ở Ấn chẳng tiến bộ được bao nhiêu”.
Cứ xét tỉ số người Ấn theo Ki Tô giáo, trong ba trăm năm mà chỉ được 6%,
ta tưởng Ki Tô giáo chẳng có ảnh hưởng gì lớn cả; nhưng sự thực cá tính
của Chúa Ki Tô đã làm cho dân tộc Ấn phải mê. Cuốn Bhagavad-Gita đã
ghi dấu hiệu của ảnh hưởng đó; rồi gần đây Gandhi và Rabidranath Tagore
cũng có tinh thần Ki Tô giáo nữa. Nhưng hiển nhiên nhất là ảnh hưởng của
Ki Tô giáo tới phong trào cải lương Brahma-Somaj
do Ram Mohun