Roy phát động năm 1828. Không ai có đủ tư cách hơn Roy để nghiên cứu
vấn đề tôn giáo. Ông học tiếng sanscrit để đọc các kinh Veda, tiếng pali để
đọc Tripitaka [Kinh, Luật, Luận] của Phật giáo, tiếng Ba Tư và tiếng Ả Rập
để hiểu Hồi giáo và kinh Coran, tiếng hébreu để hiểu Cựu Ước và tiếng Hi
Lạp để hiểu Tân Ước. Sau cùng ông học tiếng Anh và viết tiếng Anh hay
tới nỗi Jeremy Bentham mong sao James Mill
cũng có được một bút
pháp thanh nhã, hoàn toàn như vậy. Năm 1820, Roy xuất bản cuốn Lời dạy
của Chúa Ki Tô: Kim chỉ nam để đạt được hạnh phúc và sự an ổn tâm hồn.
Ông bảo: “Tôi nhận rằng giáo lí của Chúa Ki Tô tạo được đạo đức và hợp
với nhu cầu của những người có lí trí, hơn hết thảy các tôn giáo khác mà tôi
biết được”. Vì vậy ông đề nghị với đồng bào một tôn giáo mới, bỏ đa thần
giáo, chế độ đa thê, chế độ tập cấp, tục cưới gả trẻ con, tục hoả thiêu quả
phụ, tục thờ các ngẫu tượng, mà chỉ nhận mỗi một Đấng Tối Cao là
Brahman. Đồng bào ông ngạc nhiên, bất bình. Cũng như Akbar, ông mong
ước dân tộc ông đoàn kết với nhau, chung quanh tôn giáo rất giản dị đó, và
cũng như Akbar, ông coi thường sức mạnh của lòng mê tín. Sau một trăm
năm gắng sức, phong trào Brahman-Somaj ngày nay gần như không có
chút ảnh hưởng nào cả
Các người Hồi giáo chỉ là một thiểu số tôn giáo, nhưng một thiểu số mạnh
nhất, đáng kể nhất; chúng tôi sẽ nghiên cứu đạo đó trong một cuốn riêng.
Chúng ta không ngạc nhiên rằng mặc dầu Aureng-Zeb đã gắng sức mà Hồi
giáo không thu phục được dân tộc Ấn; trái lại, điều này mới ngạc nhiên là
sao Hồi giáo không bị Ấn giáo đánh đổ. Nhất thần giáo đơn giản mà mạnh
mẽ đó tồn tại được giữa khu rừng đa thần giáo, đủ tỏ tư cách của người Hồi
hùng dũng ra sao, ta nên nhớ rằng đạo Phật đã bị đạo Bà La Môn thu hút,
như vậy thấy sức kháng cự của đạo Hồi đáng phục thật. Chúa Allah [đạo
Hồi] hiện nay được bảy chục triệu người thờ ở Ấn.
Tóm lại, Ấn Độ tìm được ít niềm an ủi trong các tôn giáo ngoại lai và
những sứ đồ ở thế kỉ XIX đã ảnh hưởng mạnh nhất tới dân chúng chính là
những vị đã dựa vào các giáo lí cổ và các tập quán, lễ nghi tôn giáo trong