không tỏ một vẻ nào là oán hận hay bất bình. Ba lần ông bị bọn lưu manh
nào đó đánh cho té xỉu, rồi bỏ đi, tưởng chết; vậy mà ông không hề báo cho
cảnh sát để truy tố, và khi một kẻ hành hung ông bị bắt, ông yêu cầu chính
phủ tha cho hắn. Trong một cuộc bạo động dữ dội nhất giữa Ấn và Hồi, bộ
lạc Moplah của Hồi giết mấy trăm người Ấn tay không, lột da bọc qui đầu
để dâng chúa Allah; vậy mà ít lâu sau, chính những người Hồi đó bị nạn
đói thì Gandhi quyên tiền khắp Ấn Độ để cứu họ và trái với tất cả các thủ
tục từ trước, quyên được bao nhiêu ông đưa cho họ hết, không thiếu một
xu, phí tổn ông chịu cả.
Mohandas Karamchand Gandhi sanh năm 1869. Gia đình ông thuộc tập cấp
Vaisya và theo giáo phái Jaïn, thực hành giới luật ahimsa, không làm
thương tổn sinh mệnh một loài vật nào cả dù là con sâu cái kiến. Thân phụ
ông là một nhà cai trị giỏi
nhưng về tài chính thì theo chính sách thực
khác đời: vì quá lương thiện mà bỏ lỡ hết các cơ hội, và chỉ giữ lại một chút
gia sản cho vợ con còn bao nhiêu bố thí cho người nghèo hết. Mohandas
hồi nhỏ tởm về sự dâm đãng của một số thần Ấn Độ, nên chủ trương thuyết
vô thần và ăn thịt để tỏ lòng khinh tôn giáo. Rồi ông lại ghét thịt mà trở về
tôn giáo.
Hồi tám tuổi gia đình dạm hỏi cho ông một thiếu nữa, tên là Kasturbai, và
mười hai tuổi ông làm lễ cưới; bà trung thành theo ông trong suốt cuộc đời
sóng gió của ông, trong cảnh giàu cũng như trong cảnh nghèo, trong khám
cũng như trong khi diệt dục. Mười tám tuổi ông thi đậu vô Đại học rồi qua
Londres học luật. Ngay trong năm đầu ở Londres, ông đã đọc hết tám mươi
cuốn sách về Ki Tô giáo. Bài Thuyết giáo trên Núi làm ông xúc động liền.
Ông thấy không có gì cao cả hơn là dĩ đức báo oán và yêu cả kẻ thù của
mình và ông quyết định thà chết để giữ đúng qui tắc đó chứ không chịu
thành công mà vi phạm nó.
Trở về Ấn năm 1891, ông làm đại tụng ở Bombay trong một thời gian,
nhưng ông không chịu truy tố một người thiếu nợ và luôn luôn tự cho mình