cái quyền không biện hộ cho thân chủ nữa nếu thấy người đó trái. Vì một
vụ kiện, ông phải qua Nam Phi, rồi thấy đồng bào của ông ở đó bị người
Anh ngược đãi
, ông không trở về Ấn, ở lại Nam Phi, hi sinh hoàn toàn,
không chút vị lợi cho đồng bào, cố giải thoát họ khỏi tình cảnh lệ thuộc
khốn khổ, tủi nhục của họ. Trong hai chục năm ông không ngớt chiến đấu
cho họ tới khi chính quyền Anh phải nhượng bộ mới thôi. Lúc đó ông mới
chịu hồi hương.
Ông đi khắp nước Ấn và lần đầu tiên nhận thấy nỗi điêu đứng cùng cực của
đồng bào. Ông kinh hoảng khi thấy những nông dân chỉ còn xương với da
làm việc quần quật ở ngoài đồng, thấy những “tiện dân” thấp hèn nhất làm
những công việc tởm nhất trong các thành phố. Ông có cảm tưởng rằng vì
người Anh thấy người Ấn ở trong xứ đói khổ, đê tiện quá nên khinh luôn cả
những người Ấn ở nước ngoài, kì thị họ, coi họ như tôi mọi. Nhưng trong
thế chiến [thứ nhất], ông trung thành với Anh, tính khuyến khích cả những
người Ấn không theo giới luật bất bạo động đầu quân giúp Anh nữa. Hồi
đó ông chưa gia nhập nhóm người Ấn đòi độc lập, ông tưởng rằng chính
sách cai trị xấu xa của Anh ở Ấn chỉ là một ngoại lệ chứ xét chung thì
chính quyền của Anh tốt, ở Ấn nó hoá xấu vì bọn thực dân không theo
những qui tắc thi hành ở chính quốc; và nếu dân tộc Anh hiểu được trường
hợp của Ấn thì không do dự gì cả, tất cho Ấn sáp nhập vào cộng đồng các
quốc gia “tự trị” dưới sự lãnh đạo của Anh liền. Ông hi vọng rằng khi chiến
tranh chấm dứt, Anh nhận định được đúng sự hi sinh của Ấn cho đế quốc,
hi sinh về nhân mạng và tiền bạc, thì có lẽ nào Anh không cho Ấn được tự
do.
Nhưng hết chiến tranh, phong trào đòi độc lập bị đàn áp; sắc lệnh Rowland
bãi bỏ hết mọi tự do ngôn luận, tự do báo chí, thành lập một Quốc hội bù
nhìn, đưa ra những cải cách Montagu-Chelmsford, rồi sau cùng tàn sát
người Ấn ở Amritsar, Gandhi tức thì hành động. Ông gởi trả Phó vương Ấn
tất cả những huy chương mà chính phủ Anh đã tặng ông, rồi ông hô hào
toàn dân Ấn bất phục tùng chính quyền Anh ở Ấn. Dân chúng hưởng ứng