ông ra; ông thường mạt sát Tây y, lần này nhờ Tây y mà ông thoát chết.
Một đám đông vĩ đại bu lại ở cửa khám để hoan hô ông khi ông bước ra,
nhiều người hôn chiếc sà-rông bằng vải thô của ông. Nhưng ông xa lánh
mọi hoạt động chính trị, không tiếp xúc với đại chúng, viện lẽ rằng sức
khoẻ suy nhược, nên về trường Ahmedabad của ông, sống mấy năm trong
cảnh an tĩnh, cô liêu với các môn đệ. Nhưng mỗi tuần ông cũng viết một
bài trong tờ Ấn Độ trẻ trung trình bày triết lí của ông về cách mạng và đời
sống. Ông năn nỉ những người theo ông phải tránh sự bạo động, chẳng
những vì bạo động là tự tử - Ấn Độ không đủ phương tiện vật chất để ứng
chiến – mà còn vì bạo động chỉ là thay một sự độc tài bằng một sự độc tài
khác. Ông bảo: “Đọc lịch sử chúng ta thấy rằng những người – có lẽ do một
thiện ý giải thoát cho dân khỏi bị áp bức – dùng bạo động để lật đổ những
kẻ quyền hành, rốt cuộc cũng hoá ra độc tài, và dân chúng quá phẫn uất lại
lật đổ họ… Nếu Ấn Độ dùng phương tiện bạo động thì tôi không muốn giải
thoát Ấn Độ nữa vì những phương tiện đó không đưa tới tự do mà chỉ đưa
tới nô lệ”.
Điểm thứ nhì trong thuyết của ông là khinh miệt tân kĩ nghệ. Ông chịu ảnh
hưởng của Rousseau, hô hào trở về đời sống nông nghiệp, tiểu công nghệ,
đời sống giản dị ở thôn quê. Theo ông, nhốt đàn ông và đàn bà vào trong
các xưởng rồi bắt họ dùng những máy móc để chế tạo một bộ phận của
những đồ vật mà họ không bao giờ được làm trọn để thấy nó hoàn thành,
đó là một cách giảo quyệt để chôn nhân loại dưới một đống hàng hoá tồi,
cao nghều nghệu như hồi xưa người ta chôn các vua Ai Cập trong Kim tự
tháp. Ông bảo hầu hết các sản phẩm chế tạo bằng máy móc không phải là
vật cần thiết; máy móc tuy tiết kiệm được sức lao động nhưng lại tốn công
chế tạo, sửa chữa, thì rốt cuộc đâu cũng vào đấy; và nếu kết quả thật nhờ
máy mà đỡ khó nhọc được chút nào thì không có lợi cho giới lao động mà
chỉ có lợi cho giới tư bản; càng sản xuất mạnh thì càng sinh ra nạn thất
nghiệp. Vì vậy ông phục hồi, canh tân phong trào Swadeshi (tẩy chay hàng
Anh) do Tilak khởi xướng năm 1905
; cuộc vận động sản xuất theo lối
tiểu công nghệ trong gia đình kết hợp với cuộc vận động tự trị Swaraj.