không men hoặc có men nhiều màu, có thứ nặn bằng tay, có thứ tiện, những
đồ bằng đất nung, những con thò lò, quân cờ, những đồng tiền cổ hơn hết
thảy các thứ tiền của chúng ta được biết, trên một ngàn con dấu hầu hết là
đục khắc và mang những chữ tượng hình không ai biết là chữ gì, những đồ
sứ rất tốt, những phiến đá chạm trổ nghệ thuật cao hơn nghệ thuật Sumérie,
những binh khí và dụng cụ bằng đồng, và một kiểu xe hai bánh bằng đồng
(kiểu xe có bánh cổ nhất cho tới hiện nay), những vòng vàng, bạc đeo vào
cổ chân hoặc cổ tay và nhiều đồ trang sức khác. Ông Marshall khen là “làm
rất khéo, đánh bóng tới nỗi người ta có cảm tưởng rằng mới lấy ra ở một
tiệm kim hoàn đường Bond Street đem ra, chứ không ngờ là đã đào ở trong
một căn nhà xây cất từ năm ngàn năm trước”.
Điều này mới lạ lùng, những vật đào ở lớp dưới, nghệ thuật lại tiến bộ hơn
những vật ở lớp trên. Có những vật bằng đá, bằng đồng hoặc đồng đỏ làm
cho ta ngỡ rằng nền văn minh sông Indus đó thuộc vào một thời chuyển
tiếp từ thời đại thạch khí qua thời đại đồng đỏ. Do đó người ta có thể kết
luận rằng văn minh Mohenjo Daro đã lên tới tột đỉnh khi vua Cheops Ai
Cập cho xây cất kim tự tháp vĩ đại đầu tiên, rằng Mohenjo Daro đã có
những liên lạc về thương mại, tôn giáo và nghệ thuật với các xứ Sumérie và
Babylonie
, và nền văn minh đó đã tồn tại ba ngàn năm cho tới thế kỉ thứ
ba trước công nguyên
.
Nhưng chúng ta vẫn chưa có thể nói được rằng nền văn minh Mohenjo
Daro có thực như Marshall nghĩ, là nền văn minh cổ nhất không. Nhưng
khảo cứu về Ấn Độ thời tiền sử mới chỉ là bắt đầu, mới trong thời chúng ta,
các nhà khảo cổ đào được các cổ tích ở Ai Cập, rồi qua miền Mésopotamie,
tới Ấn Độ. Có thể chắc rằng khi đào các lớp đất ở Ấn Độ cũng kĩ như ở Ai
Cập, người ta sẽ thấy một nền văn minh cổ hơn văn minh Ai Cập nữa
.