Độ, tập tục cũng có thể thay đổi.
Nhưng lần hết chiến tranh tới hoà bình, cần phát triển canh nông mà tôn
giáo rất có ích cho canh nông, chỉ cho dân cách cầu Trời phù hộ cho khỏi bị
các tai vạ bất ngờ, cho nên càng ngày càng quan trọng về phương diện xã
hội, các điển lễ càng ngày càng phiền phức thêm, bây giờ cần có một hạng
người chuyên môn làm trung gian giữa người và các vị quỉ thần, nên tập
cấp Bà La Môn đông lên, giàu có lên, uy quyền tăng lên. Lãnh nhiệm vụ
giáo dục thanh niên, họ truyền miệng lại lịch sử, văn học và các luật lệ của
giòng giống cho các thế hệ sau, thành thử họ có thể tái tạo lại dĩ vãng và
chuẩn bị tương lai theo ý họ, họ dạy dỗ các thế hệ mới, bắt mỗi thời phải
tôn trọng thêm các tu sĩ, rốt cuộc họ tạo được uy tín cho tập cấp họ, và lần
lượt họ vượt lên trên các tập cấp khác trong xã hội Ấn Độ. Ngay từ thời
Phật Thích Ca họ đã phá được ưu thế của tập cấp Kshatriya, cho rằng thấp
kém hơn họ, tình thế muốn đảo lộn, Phật Thích Ca bảo hai quan điểm đó
(của tập cấp Bà La Môn và của tập cấp Kshatriya) đều có lí một phần. Tuy
nhiên thời Phật Thích Ca, bọn Kshatriya chưa chịu nhận uy thế tinh thần
của bọn Bà La Môn và chính trong phong trào Phật giáo, do một Kshatriya
gây nên, chiến đấu với bọn Bà La Môn cả ngàn năm để giành quyền tối
thượng về tôn giáo tại Ấn Độ.
Ở dưới tập cấp thiểu số thống trị đó, các giới: Vaisya gồm những thương
nhân và dân tự do (nghĩa là không phải là nô lệ), mà trước thời Phật Thích
Ca, chưa thành một tập cấp rõ rệt, giới Shudra hay lao động gồm đại đa số
dân chúng, và sau cùng là giới Paria, ti tiện, ở ngoài các tập cấp, gồm
những bộ lạc thổ dân không cải tổ, như bộ lạc Chandala, những tù binh,
những kẻ bị tội mà thành nô lệ. Nhóm người “ngoại tập cấp”, mới đầu
không nhiều gì lắm, là tổ tiên của bốn chục triệu tiện dân (intouchable) ở
Ấn Độ hiện nay.