LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ - Trang 77

cũng xảy ra như vậy, nhưng giả thuyết đó, như Hume sau này nói, có gì là
chắc chắn đâu. Xét kinh nghiệm bản thân và xét lịch sử đâu có thấy năng
lực siêu nhiên nào chỉ huy vũ trụ đâu. Hiện tượng nào cũng tự nhiên hết,
chỉ những kẻ ngu ngốc mới cho là tại ma quỉ hay thần linh. Chỉ có vật chất
là thực thể, cơ thể là các nguyên tử, bộ óc chỉ gồm các tế bào suy tư, chính
cơ thể chứ không phải linh hồn cảm thấy nhận, trông thấy, nghe thấy, suy
nghĩ. Có ai bao giờ thấy một linh hồn tách ra khỏi cơ thể không? Không có
sự bất diệt và không ai có thể tái sinh được. Tôn giáo là một sự sai lầm, mê
hoặc, một thứ bệnh hoặc một thuật lừa gạt, không cần đặt ra giả thuyết có
một Thượng Đế để giảng thế giới hoặc hiểu thế giới. Sở dĩ có những người
cho tôn giáo là cần thiết chỉ vì họ quen tôn giáo quá rồi đến nỗi thấy lạc
lõng, bơ vơ. Luân lí có căn bản tự nhiên, nó dựa trên những mặc ước, và
nhu cầu xã hội, chứ không dựa trên một mệnh lệnh thần linh. Thiên nhiên
thản nhiên không phân biệt thiện ác, không khen thưởng đạo đức, không
trừng phạt tội ác và mặt trời chiếu cho mọi người, cho các tên bịp bợm
cũng như cho các vị thánh đức, nếu thiên nhiên có một cái “đức” nào về
phương diện luân lí thì chỉ là cái “đức” phi đạo đức siêu việt. Không cần
phải diệt bản năng cùng thị dục vì những cái đó tự nhiên sinh ra. Đạo đức là
một sự lầm lẫn, mục đích của đời sống là sống, và sự minh triết chân chính
là tìm hạnh phúc.

Triết lí cách mạng của phái Charvaka đó chấm dứt thời đại các Veda
Upanishad. Nó giảm uy thế của các Bà La Môn và gây một khoảng trống
trong xã hội Ấn Độ, cần có một tôn giáo mới để lấp khoảng trống đó.
Nhưng học thuyết của phái đó đã được tiếp tục và thành công tới nỗi hai
tôn giáo tới sau đáng lí để thay thế đức tin trong các kinh Veda, thì lạ lùng
thay, lại đều là tôn giáo vô thần cả. Cả hai đều thuộc vào phong trào
Nastika, hay hư vô, cả hai đều xuất phát không phải trong tập cấp tu sĩ, mà
trong tập cấp chiến sĩ (Kshatriya), để phản ứng với chủ trương thần học và
với thói nghi thức câu nệ của giới tu sĩ. Hai tôn giáo đó, Jaïnisme (Kì-Na
giáo) và Phật giáo mở màn cho một thời đại mới trong lịch sử Ấn Độ.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.