cẳng, bảo voi là một cái cột tròn lớn. Vậy phán đoán của con người rất hạn
chế, tuỳ hoàn cảnh, chỉ những đấng cứu thế, tức Jina cứ cách một thời gian
đều đều lại xuất hiện mới nắm được chân lí tuyệt đối. Ngay những kinh
Veda cũng chẳng giúp ta được gì, lời trong kinh không phải là lời thiên
khải, chỉ do lẽ này là không có Thượng đế. Các giáo đồ Jaïn bảo không cần
phải tưởng tượng ra một đấng Hoá công hoặc một Tối sơ Nguyên nhân nào
đó, một em bé cũng có thể đả phá giả thuyết đó được, vì một đấng Hoá
công tự sinh, một Tối sơ Nguyên nhân không có nguyên nhân, là điều vô lí,
không hiểu nổi cũng như một thế giới tự xưng không có nguyên nhân. Thà
cứ bảo rằng vũ trụ đã có từ thuở nào tới giờ, cứ biến chuyển, thay đổi hoài
hoài, do những năng lực cố hữu của nó, chứ chẳng có ý chí của một vị thần
nào cả, thà cứ bảo như vậy lại còn dễ nghe hơn. Nhưng tinh thần Ấn Độ
không hợp với một chủ trương tự nhiên cố chấp tới mức đó. Phái Jaïnsau
khi mời Thượng đế rời khỏi thiên đường rồi, bèn đưa hết các vị thần trong
sử và trong huyền thoại của họ vô. Rồi họ cũng tổ chức các tế lễ, cũng dốc
lòng thờ phụng những vị thánh đó, chỉ khác là họ coi các ngài cũng chết,
cũng luân hồi, chứ không phải là những đấng sáng tạo và làm chủ vũ trụ.
Họ cũng không phải là duy vật, họ chấp nhận quan điểm nhị nguyên, có
tinh thần và vật chất, và cho rằng vạn vật, ngay cả đá và kim thuộc cũng có
linh hồn. Linh hồn nào đã sống một đời không tội lỗi thì sẽ thành một
Paramatman – tức tối cao linh hồn – và trong một thời gian khỏi phải đầu
thai. Chỉ những linh hồn cao cả nhất, hoàn toàn nhất mới được “giải thoát”
vĩnh viễn, những linh hồn đó gọi là Arhat, thượng đẳng thần, sống vui vẻ
như các thần của Epicure, trong một cõi xa xăm nào đó, không tác động
được tới công việc của loài người, nhưng khỏi phải đầu thai.
Muốn được giải thoát thì theo họ phải sống khổ hạnh và giữ đúng “giới
luật” ahimsa (bất tổn sinh – tuyệt đối tránh không gây thương tích cho một
sinh vật nào
). Nhà tu hành Jaïn nào cũng phải đọc năm lời nguyện dưới
đây: không giết bất kì sinh vật nào, không nói dối, không lấy một vật gì nếu
không phải là vật tặng, giữ sự thanh khiết và từ chối mọi thú vui của xã hội
bên ngoài. Họ cho cái vui của ngũ quan là một tội lỗi; lí tưởng phải đạt