Will Durant
Lịch sử văn minh Ấn Độ
Người dịch: Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG II (tt)
III. TRUYỆN PHẬT THÍCH CA
Bối cảnh của Phật giáo – Phật Thích Ca ra đời – Tuổi trẻ - Buồn về nhân
sinh – Ra đi – Mấy năm tu hành khổ hạnh – Ánh sáng – Cảnh Niết bàn
Sống sau hai ngàn rưỡi năm, chúng ta khó mà biết rõ được những hoàn
cảnh kinh tế, chính trị và luân lí đã làm cho hai tôn giáo rất nghiêm khắc và
rất bi quan như vậy xuất hiện, đạo Jaïn và đạo Phật. Chắc chắn là dưới
thống trị của dân tộc Aryen, Ấn Độ đã tấn bộ nhiều về vật chất: nhiều thành
phố đã được dụng lên như Patalipatra và Vaishali, kĩ nghệ và thương mại đã
tạo được sự phú túc, có phú túc rồi thì được an nhàn. Có lẽ nhờ sự phú túc
đó mà chủ nghĩa hưởng lạc và chủ nghĩa duy vật mới xuất hiện ở thế kỉ VII
và thứ VI trước công nguyên. Nó lại không lợi cho tôn giáo, ngũ quan
muốn thoát li mọi sự bó buộc tinh thần và mong có những triết thuyết giải
phóng cho. Cũng như Trung Hoa thời Khổng Tử, ở Hi Lạp thời Protagoras
- ấy là chưa nói thời đại chúng ta - ở Ấn Độ, thời Đức Phật ra đời, các tín
ngưỡng cũ đã suy vi và trong dân chúng có tâm trạng hoài nghi, hỗn loạn
về luân lí. Đạo Jaïn và đạo Phật mặc dầu nhiễm cái thuyết vô thần bi thảm
của một thời đại đã mất hết ảo tưởng, đều chống lại chủ nghĩa khoái lạc của
một xã hội ăn không ngồi rồi, xa hoa phù phiếm tự cho mình là “tự do, tấn
bộ”
Theo truyền thuyết Ấn Độ thì thân phụ Đức Phật, Shuddhodhana [Tịnh
Phạn] thuộc giới thượng lưu của thị tộc Gautama trong bộ lạc anh dũng
Shakya, quốc vương xứ Kapilavastu ở chân núi Himalaya. Sự thực thì
chúng ta chưa biết rõ gì về Đức Phật và sở dĩ tôi chép lại dưới đây những
chuyện về ngài, không phải vì giá trị lịch sử của nó mà vì nó giữ một địa vị
rất quan trọng trong văn học Ấn Độ và trong các tôn giáo châu Á. Theo các