cuộc đàm thoại, trong các cuộc hội nghị, hoặc bằng những ngụ ngôn. Cũng
như Socrate và Chúa Ki Tô, không bao giờ Ngài có ý chép lại đạo của Ngài
thành sách, mà chỉ tóm tắt những ý chính thành những sutta. Theo những
hồi kí của những đệ tử đầu tiên của Ngài thì tính tình Ngài hiện rõ lời Ngài
giảng dạy đó, và Ngài là nhân vật đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ lưu lại cho
ta một bức chân dung rõ rệt: một người rất nhiều nghị lực, uy nghi và hào
hùng, nhưng ngôn ngữ và cử chỉ rất dịu dàng và có đức bao dung vô cùng.
Ngài không
tự cho mình được thiên khải. Trong các cuộc tranh luận,
Ngài tỏ ra kiên nhẫn và tôn trọng ý kiến của người khác hơn hết thảy các
đại sứ đồ của nhân loại. Cứ theo lời các đệ tử của Ngài – có lẽ họ cũng hơi
nói quá – thì Ngài theo đúng giới luật ahimsa: “Gautama cố tránh không
làm huỷ hoại đời sống của bất kì một sinh vật nào. Ngài là chiến sĩ
Kshatriya mà lại bỏ gươm giáo, rất ghét sự tàn bạo, lòng cực kì nhân từ,
Ngài tỏ niềm ái ưu với tất cả các sinh vật… Không khi nào nói xấu, vu oan
cho ai… Ngài sống cơ hồ như chỉ để hoà giải những kẻ chia rẽ, khuyến
khích những kẻ hoà hợp với nhau, Ngài yêu hoà bình, phụng sự hoà bình,
chỉ thốt những lời hoà bình”. Như Lão Tử và Ki Tô, Ngài “dĩ đức báo oán”,
ai không hiểu Ngài mà nhục mạ thì Ngài làm thinh. “Nếu một người nổi
điên lên mà làm hại tôi thì tôi lấy tình thương mà che chở cho người đó,
người ấy càng làm điều ác cho tôi thì tôi càng làm điều thiện cho người
ấy”. Một lần một kẻ chất phác nọ mạt sát Ngài, Ngài lặng thinh nghe kẻ đó
nói xong rồi, Ngài hỏi lại: “Này con, nếu một người không chịu nhận một
tặng vật nào đó thì tặng vật đó thuộc về ai?”. Kẻ đó đáp: “Về người đem
tặng”. – “Vậy thì ta không nhận những lời mạt sát của con đâu, con nên giữ
lấy cho con”. Trái với nhiều vị thánh khác, Phật có tinh thần hài hước và
biết rằng bàn tới siêu hình mà không mỉm cười thì không là nhã.
Ngài có một cách đặc biệt để thuyết pháp, mặc dầu cách đó một phần nào
chịu ảnh hưởng cách của các nhà nguỵ biện lang thang đương thời. Ngài đi
từ châu thành này tới châu thành khác, cùng với một nhóm đệ tử thân tín và
phía sau là cả một đám đông, có khi tới 1.200 tín đồ. Không bao giờ lo tới
ngày mai, những kẻ ngưỡng mộ dâng thức gì thì Ngài ăn thức đó, có lần