lớn tất cho là thứ kim thuộc quái gở. Cũng vậy, nếu một người hấp hối
bảo: “Tôi chỉ muốn làm người, làm người thôi” thì chắc tạo hoá sẽ cho kẻ
đó là quái gở. Nay Trời đất là cái lò lớn mà Tạo hoá là Thợ đúc lớn; dù
Tạo hoá đưa chúng ta tới đâu thì chúng ta cũng phải bằng lòng yên lặng
mà ngủ, rồi hốt nhiên thức
.
Khi Trang tử gần mất, môn đệ muốn làm ma chay long trọng, ông cản họ:
“Ta có đất trời làm quan quách, mặt trời mặt trăng làm ngọc bích, các tinh
tú và sao Bắc Đẩu làm ngọc châu, vạn vật đi đưa ma. Đám tang như vậy
chẳng đủ sao, còn thêm gì nữa?”.
Môn đệ bảo: “Chúng con sợ diều quạ rỉa xác thầy”.
Trang tử đáp: “Ở trên đất thì bị diều quạ rỉa, ở dưới đất thì bị giòi kiến ăn.
Cướp ở trên mà cho dưới, sao lại tư vị thế” [Liệt Ngự Khấu].
*
Chúng tôi sở dĩ viết hơi dài về các triết gia Trung Hoa thời cổ trước hết vì
người nào có óc tò mò cũng thích biết về những vấn đề không sao giải
quyết được ấy, tức vấn đề sinh tử và thân phận con người; nhưng cũng vì
toàn thể các triết thuyết thời cổ đó là cái phần di sản quí nhất của Trung
Hoa tặng thế giới. Đã lâu rồi (vào năm 1697), Leibnitz, con người cái gì
cũng muốn biết ấy, sau khi nghiên cứu triết học Trung Hoa, tuyên bố cần
kết hợp, dung hoà tư tưởng phương Đông và phương Tây. Ông viết đoạn
dưới đây mà mỗi thế hệ có thể đem ra suy ngẫm một cách hữu ích: “Chúng
ta quá say mê làm ăn, luân lí đã suy đồi tới cái mức tôi nghĩ rằng Trung
Hoa phải phái các nhà truyền giáo qua phương Tây chúng ta để dạy cho
chúng ta cách thực hành một thần giáo quốc gia [théologie nationale]… Vì
tôi tin chắc rằng nếu người ta nhờ một hiền nhân nổi tiếng là minh triết lựa