lên xây cất công trình vĩ đại, tượng trưng hùng tâm và sức kiên nhẫn của
dân tộc Trung Hoa ấy. Vạn lí trường thành dài 2.400 cây số, cứ cách quãng
đều đều lại có những cửa ải dầy dặn, to lớn, kiến trúc như kiến trúc
Assyrie; công trình đó là công trình xây cất lớn nhất của nhân loại từ trước
tới nay. Voltaire bảo “nó vừa ích lợi hơn, vừa đồ sộ hơn các kim tự tháp Ai
Cập”. Phải mười năm mới xong và dùng không biết bao nhiêu là thợ.
Người Trung Hoa bảo: “Trọn một thế hệ đã tàn mạt để cứu nhiều thế hệ
sau”. Ở một đoạn sau chúng ta sẽ thấy nó không đủ để ngăn chặn các rợ
phương Bắc xâm nhập Trung Hoa nhưng ít nhất cũng đã làm cho sự xâm
lăng chậm lại, bớt đi. Rợ Hung Nô bị đẩy ra khỏi Trung Hoa trong một thời
gian, đã tràn qua châu Âu và sau cùng tràn vào vào Ý; La Mã thất thủ vì
Trung Hoa đã xây Vạn lí trường thành.
Nhưng Tần Thuỷ Hoàng, cũng như Napoléon sau này, sẵn sàng từ bỏ chiến
tranh để lo việc cai trị, ông ta đã tạo được những nét chính cho Quốc gia
Trung Hoa sau này. Nghe lời tể tướng Lí Tư, trong phái Pháp gia, ông bỏ
chế độ tự trị địa phương thời trước mà muốn có một tập quyền trung ương
mạnh mẽ, không cai trị theo tục lệ cũ mà theo một bộ luật pháp minh bạch.
Ông diệt uy quyền các chư hầu, thay bằng một giai cấp quí phái gồm các
viên quan do các thượng thư bổ nhiệm; tại mỗi quận huyện, ông đặt một võ
quan không lệ thuộc viên quận trưởng, huyện trưởng; ông điển chế luật
pháp, giản dị hoá lễ nghi, phát hành một thứ tiền tệ quốc gia, chia cắt các
nước chư hầu thành những khu nhỏ, tạo quyền tư hữu cho nông dân [nghĩa
là cho nông dân làm chủ ruộng họ khai phá] nhờ vậy mà Trung Hoa sau
này giàu mạnh lên; ông hoàn tất sự thống nhất quốc gia bằng cách mở
những con đường rộng lớn từ kinh đô Hàm Dương đi tới khắp nơi. Kinh đô
này đẹp lên nhờ có thêm nhiều dinh thự mới, ông lại bắt 120.000 gia đình
giàu có nhất, có quyền thế nhất trong toàn quốc lại ở Hàm Dương vừa để
cho kinh đô thêm lộng lẫy, vừa để ông dễ bề coi chừng họ; ông thích vi
hành, không mang theo khí giới để dò xét những sự nhũng lạm, những hành
động náo loạn, rồi về triều đình ban sắc lệnh để trừ tuyệt: lệnh ông, không
ai dám chống lại. Ông khuyến khích các phương sĩ mà rất ghét bọn văn