nào thấy hoặc biết mà không tố giác thì cùng chịu một tội. Lệnh xuống ba
mươi ngày mà không chịu đốt thì gọt đầu bôi đen, bắt đi làm phu. Những
sách để lại là sách thuốc, sách bói, sách trồng cây. Ai muốn học pháp lệnh
thì lấy kẻ lại làm thầy”
.
Tần Thuỷ Hoàng đẹp lòng, ban hành lệnh đó liền. Để gạt bỏ dĩ vãng đi, chỉ
kể từ hiện tại thôi, để cho lịch sử Trung Hoa bắt đầu từ Tần Thuỷ Hoàng,
bao nhiêu bộ sử các nước khác đều bị đốt hết; hình như chỉ những sách về
khoa học và bộ Mạnh tử là thoát được hoạ; tuy nhiên nhiều cuốn bị cấm
còn được giữ trong thư viện của nhà vua, các học giả xin phép thì có thể
được vào tra cứu. Những sách ấy gồm những thẻ tre ghép với nhau bằng
bản lề, cho nên chỉ một “cuốn” thôi cũng nặng lắm rồi, ai muốn giấu giếm
thì thật là khó khăn. Nhiều người bị tố giác, và theo truyền thuyết, một số
lớn bị bắt làm phu đưa đi xây cất Vạn lí trường thành, và bốn trăm sáu chục
người bị xử tử (chôn sống ở Hàm Dương). Mặc dầu vậy, một số nhà Nho
học thuộc lòng tất cả những sách của Khổng tử để truyền miệng lại cho
những người cũng cưỡng kế như họ. Tần Thuỷ Hoàng vừa mới chết thì các
sách bị cấm lại được tự do lưu hành, nhưng chắc có nhiều lỗi. Rốt cuộc
việc đốt sách đó chỉ có mỗi hậu quả này là lâu bền: những sách bị cấm
thành những bộ kinh thánh mà tên Tần Thuỷ Hoàng bị các sử gia mạt sát
đời đời. Trong nhiều thế hệ, dân chúng vì oán ghét mà làm ô uế lăng tẩm
của ông.
Vì diệt các quí tộc (các chư hầu) và bãi bỏ tự do ngôn luận, Tần Thuỷ
Hoàng hoá ra cô độc trong mấy năm cuối đời. Có kẻ âm mưu ám sát ông,
nhưng ông hay kịp, đích thân giết họ. Mỗi khi ra triều, ông ngồi lên ngai
vàng, đặt một thanh gươm tuốt trần trên đùi, và không ai biết được mỗi
đêm ông sẽ ngủ trong cung nào. Cũng như vua Hi Lạp Alexandre, để củng
cố triều đại ông rán làm cho dân tin rằng ông là Thượng Đế, là thần linh,
nhưng dân đâu có tin và ông thất bại cũng như Alexandre. Ông tự cho mình
là “Hoàng đế thứ nhất” (Thuỷ Hoàng Đế), các đời sau phải theo thứ tự, gọi
là Nhị Thế (đời thứ nhì), Tam Thế (đời thứ ba), vân vân… cho tới vạn thế