các nhà sản xuất vay rất nhẹ lãi để có vốn làm ăn. Vương Mãng đã tổ chức
chính trị theo kinh tế chứ không theo bản tính con người. Ông làm việc
ngày đêm để lập kế hoạch làm cho nước giàu, dân sướng; cho nên ông thật
nát lòng khi phải nhận rằng dưới triều đại ông, xã hội còn loạn lạc hơn.
Cũng vẫn những thiên tai – lụt rồi đại hạn – làm hỏng chương trình kinh tế
của ông, và tất cả những kẻ bị các cải cách của ông nhổ hết nanh vuốt, họp
nhau lại để âm mưu lật đổ ông. Nông dân nổi loạn ở nhiều nơi và người ta
ngờ là do kẻ quyền quí xúi giục, giúp tiền; trong khi ông ngạc nhiên, bất
bình vì lòng bạc bẽo của dân, tận lực diệt những phiến loạn đó thì các dân
tộc lệ thuộc Trung Hoa cũng nổi lên gỡ cái ách tròng lên cổ họ, mà rợ Hung
Nô thì xâm chiếm phía Bắc. Sau cùng một tôn thất nhà Hán [Lưu Tú] cầm
đầu bọn nổi loạn, chiếm kinh đô Trường An, giết Vương Mãng, dẹp hết các
cải cách, và mọi sự lại trở lại như cũ.
Nhà Hán kết thúc bằng một loạt các vua bạc nhược; tiếp theo là một thời
loạn lạc: bát vương (tám thân vương) tranh giành nhau. Mặc dầu có Vạn Lí
trường thành, năm rợ Hồ ở phương Bắc (ngũ Hồ) cũng đem quân vào
chiếm được hết lưu vực sông Hoàng Hà. Rợ Hung Nô phá tan tành đế quốc
La Mã, làm cho châu Âu chìm trong cảnh hắc ám thời Trung cổ; bà con của
họ, năm rợ Hồ cũng vậy, làm xáo trộn đời sống dân tộc Trung Hoa, mà văn
minh Trung Hoa không phát triển được trong một thời gian. Cảnh hỗn loạn
ấy ở Trung Hoa không lớn lao, cũng không lâu dài bằng ở Tây Âu, điều đó
cho ta thấy dân tộc Trung Hoa đã có được một sức đề kháng mạnh và một
nền văn hóa cao ra sao. Sau một thời gian chiến tranh, hỗn độn, văn minh
Trung Hoa lại hồi sinh rực rỡ. Người Trung Hoa đồng hoá kẻ xâm lăng, gả
con gái cho chúng, làm cho chúng văn minh lên; và ít lâu sau họ đạt được
tuyệt đỉnh trong lịch sử của họ.