Một hôm ông vô thăm ngục thất Trường An, thấy 290 tên bị tử hình. Ông
thả cho họ ra đồng làm việc miễn là họ hứa làm việc xong lại trở vô ngục.
Họ trở về đủ, không thiếu một người, ông mừng quá, ân xá cho họ hết. Và
ông ra lệnh rằng từ đó, ông vua nào cũng phải trai giới ba ngày trước khi hạ
bút phê chuẩn một án tử hình. Ông sửa sang, tô điểm cho kinh đô đẹp tới
nỗi các du khách từ Ấn Độ, châu Âu đổ xô lại. Nhiều vị tăng từ Ấn Độ qua,
còn các vị tăng Trung Hoa, như Huyền Trang, được tự do qua Ấn Độ học
đạo Phật tại gốc. Các giáo sĩ lại Trường An để truyền bá Hoả giáo do
Zoroastre [người Trung Hoa phiên âm là Tô Lỗ Chi] sáng lập, và Cảnh
giáo, một biệt phái của đạo Ki Tô (Christianisme Nestorien), do Nestorius
[người Trung Hoa phiên âm là Nãi Tử Thoát Lợi An] sáng lập ở Tiểu Á
(Asie Mineure); cũng như vua Akbar ở Ấn Độ, Thái Tôn vui vẻ tiếp đãi họ,
cho họ tự do đi lại trong nước, che chở họ, miễn thuế cho các giáo đường
của họ, trong thời đại mà châu Âu sống cơ cực trong cảnh ngu dốt, tối tăm
và tranh đấu nhau về thần học. Chính ông cũng rán làm một môn đồ chân
chính của Khổng giáo, mà không có chút thành kiến nào cả. Một sử gia
chép rằng khi ông băng, dân chúng đau xót vô cùng, ngay ngoại nhân cũng
có người chích huyết để vẩy lên quan tài ông.
Ông đã dọn đường cho thời đại mà Trung Hoa phát hiện được nhiều khả
năng sáng tác nhất. Nhờ nửa thế kỉ tương đối bình an, chính quyền vững
vàng, Trung Hoa mới xuất cảng được gạo, bắp, lúa, hương liệu, kiếm được
nhiều lời, để có thể sống xa hoa hơn tất cả các thời trước. Trên hồ, các du
thuyền sơn son thếp vàng, chạm trổ đẹp đẽ, chen chúc nhau lượn qua lượn
lại; trên các con sông và kinh đào, các thuyền chở hàng hoá nườm nượp
ngược xuôi, và từ các hải cảng, những chiếc tàu buôn nhổ neo để qua Ấn
Độ dương và vịnh Ba Tư. Chưa bao giờ Trung Hoa phú cường như vậy;
chưa bao giờ có các cửa hàng đầy nhóc thực phẩm như vậy, những ngôi nhà
lộng lẫy như vậy, và những hàng gấm vóc đẹp, mịn như vậy. Họ bán lụa
cho châu Âu, cứ đặt lên bàn cân, bao nhiêu lụa là bấy nhiêu vàng – nửa số
dân thành thị của họ bận đồ tơ lụa, và tại kinh đô Trường An của họ ở thế
kỉ VIII, áo cầu (áo lông) còn nhiều hơn ở Paris hoặc Londres giữa thế kỉ