V. CÁI HAY CỦA THƠ TRUNG HOA
Thơ tự do – Hình ảnh – Thi trung hữu hoạ và hoạ trung hữu thi – Tình cảm
trong thơ – Hình thức hoàn hảo
Mới chỉ đọc thơ Lí Bạch thì chưa thể phê bình thơ Trung Hoa được; muốn
cảm cho thấu (như vậy hơn là phê bình) thơ Trung Hoa thì phải ung dung
đọc tác phẩm của các thi sĩ khác nữa – họ rất nhiều – và hiểu kĩ thuật rất
đặc biệt của họ. Dịch ra thì mất hết cái hay tế nhị nhất của họ: chúng ta
không thấy được nét đẹp của chữ Trung Hoa, mỗi chữ chỉ có một âm, vậy
mà diễn được một ý phức tạp; lối viết từ trên xuống dưới, từ phải qua trái,
đối với chúng ta không có ý nghĩa gì cả; chúng ta cũng không hiểu được
niêm luật của họ đã có từ thời cổ và được các thi nhân tôn trọng, giữ đúng;
chúng ta không đoán được chủ âm, không cảm được cái nhạc điệu do các
âm ngắn và dài, các âm bằng và trắc tạo nên; có thể nói rằng đối với độc
giả ngoại quốc, cái hay của thơ Trung Hoa mất đi một nửa
Mới coi chúng ta ngạc nhiên rằng thơ Trung Hoa ngắn quá, khác xa sự vĩ
đại uy nghiệm hay sự phong phú của thơ Milton hay Homère. Nhưng theo
người Trung Hoa, đã là thơ thì phải ngắn, muốn cho thơ dài tức là tự mâu
thuẫn với mình, vì thơ chỉ để diễn tả một lúc xuất thần, và cảm xúc sẽ biến
mất liền khi ta rán chép nó lên hàng xấp, hàng xấp giấy. Thơ phải cho ta
thấy cả một bức tranh trong một nét, và phải diễn cả một triết lí trong mười
hai hàng, một ý nghĩa sâu sắc trong vài chữ. Vì hoạ là tính bản thể của thơ,
mà chữ viết Trung Hoa vốn tượng hình, cho nên văn ngôn Trung Hoa bản
nhiên đã nên thơ rồi, viết tức là vẽ nên phải tránh những cái trừu tượng,
những cái này không thể vẽ được như những vật ta trông thấy. Nhưng càng