thuật đó cho người Ả Rập ở thế kỉ VIII, rồi người Ả Rập lại truyền bá qua
châu Âu ở thế kỉ XVI, thì phương pháp đã hoàn hảo rồi.
Mực cũng thấy xuất hiện ở phương Đông trước tiên vì mặc dầu người Ai
Cập đã chế được giấy, mực từ thời Thượng cổ, nhưng chính người Trung
Hoa đã dạy cho châu Âu chế tạo mực bằng bồ hóng; cái mà người ta gọi là
“mực Ấn Độ” thực ra là mực Tàu. Mực đỏ (son) chế bằng chất sul-fua thuỷ
ngân (sulfure de mercure) đã được dùng ở Trung Hoa từ đời Hán; mực đen
xuất hiện ở thế kỉ IV, và từ đó mực đỏ để dành riêng cho nhà vua. Mực đen
làm cho nghề in mau tiến bộ vì dùng nó thì dễ phết lên bản gỗ mà nó lại
gần như không tẩy, gột được. Người ta đã thấy ở Trung Á những khối giấy
bị ngâm dưới nước lâu quá, gần cứng như đá, mà chữ viết bằng mực vẫn
đọc được.
Thói quen dùng con dấu để kí tên là nguồn gốc của nghề in, ngày nay chữ
“ấn” là con dấu cũng có nghĩa là in nữa. Những dấu đó mới đầu in lên đất
sét; vào khoảng thế kỉ thứ II, các kinh được khắc trên đá rồi ít lâu sau,
người ta nghĩ ra cách phết mực lên để phóng lại. Thế kỉ thứ VI, có những
con dấu lớn bằng gỗ mà các đạo sĩ dùng để in bùa; một thế kỉ sau, các vị
tăng cũng dùng cách đó để in lại các kinh. Những “ấn phẩm” cổ nhất mà
chúng ta được biết là một triệu lá bùa in ở Nhật bản vào khoảng 770 sau
T.L bằng chữ Phạn và chữ Trung Hoa. Đời Đường người ta làm nhiều bản
khắc như vậy nhưng có lẽ đã thất lạc hoặc bị tiêu huỷ hết trong cảnh loạn
lạc thời Minh Hoàng.
Năm 1907, ông Aurel Stein, được các đạo sĩ Trung Hoa ở Tân Cương
cho phép tham cứu các “thiên Phật động” (hang ngàn ông Phật) ở Đôn
Hoàng. Một trong số những động đó hình như đã bị bịt kín vào khoảng
1035 sau T.L, mãi đến năm 1900 mới được đục ra, và người ta đã tìm thấy
1.130 bó tài liệu, mỗi bó gồm mười hai, có khi hơn nữa, cuốn giấy viết tay;
toàn thể thành một thư viện chứa 15.000 cuốn sách, giấy vẫn còn tốt y như
mới nguyên. Chính trong những bản viết tay ấy mà người ta kiếm được