Will Durant
Lịch Sử Văn Minh Trung Hoa
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG III (2)
II. CÁC ĐỒ ĐỒNG ĐỎ, ĐỒ SƠN, ĐỒ NGỌC
Địa vị của nghệ thuật ở Trung Hoa – Đồ tơ lụa – Đồ đạc trong nhà – Đồ
châu bảo – Quạt – Đồ sơn – Mài ngọc – Vài đồ đồng tuyệt đẹp – Nghề điêu
khắc
Tìm hiểu đạo lí và say mê cái đẹp, đó là hai thái cực của tâm hồn Trung
Hoa và đôi khi người ta muốn gọi Trung Quốc là xứ của triết học và của đồ
sứ. Khi tìm hiểu đạo lí, dân tộc Trung Hoa không đạt tới một siêu hình học
khoáng đạt, mà tới một triết lí thực nghiệm nhắm sự cải thiện cá nhân và
trật tự xã hội; sự say mê cái đẹp cũng vậy, không đưa họ tới một chủ nghĩa
duy mĩ bí truyền hoặc một nghệ thuật chỉ chú ý tới hình thể. Không kể tới
công dụng trong đời sống, mà đưa họ tới những thực hiện có tính cách bình
phàm, thực tế chỉ để tô điểm đời sống thôi. Cho tới khi bắt đầu chịu ảnh
hưởng của phương Tây, thợ thủ công hoặc thợ thủ công với người làm việc
tay chân, không phải là thợ chuyên môn; tất cả hoặc hầu hết kĩ nghệ đều
làm bằng tay
. Cho nên Trung Hoa không có một kĩ nghệ năng suất thật
cao, tạo cho dân chúng nhiều phương tiện để đời sống được dễ dàng hơn
như ở châu Âu, mà chỉ muốn vượt các dân tộc khác về tinh thần thẩm mĩ,
sản xuất những nghệ phẩm dùng trong đời sống hằng ngày. Người Trung
Hoa phong lưu muốn rằng từ chữ viết tới chén đĩa, cái gì cũng phải đẹp, có
vậy mới là văn minh.
Sự gắng sức tô điểm từ con người tới nhà cửa, đình chùa đó đạt tới mức cao
nhất ở đời Tống. Sự tô điểm đời sống ấy đã có từ đời Đường, và còn tiếp