III. CHÙA CHIỀN VÀ CUNG ĐIỆN
Kiến trúc Trung Hoa – Tháp bằng sứ ở Nam Kinh – Chùa ngọc ở Bắc Kinh
– Miếu Khổng tử - Đền Nam Giao – Cung điện Hốt Tất Liệt – Một ngôi nhà
Trung Hoa ở phía trong, màu sắc và hình thể
Kiến trúc cũng như điêu khắc chỉ đóng một vai trò thứ yếu trong nghệ thuật
Trung Hoa. Kiến trúc sư nước đó ít khi lưu danh lại và hình như công
chúng không ngưỡng mộ họ bằng những nhà làm đồ gốm. Ít thấy ở Trung
Hoa các công trình kiến trúc lớn lao; chỉ có ít lâu đài cổ và vài ngôi chùa
trước thế kỉ XVI. Các kiến trúc sư đời Tống đã in năm 1103 tám cuốn đầy
hình về Phương pháp xây cất, nhưng những công trình đẹp họ vẽ để lưu lại
thì đều bằng gỗ mà ngày nay không còn chút dấu vết gì. Còn những hình
còn bảo tồn được ở Thư viện Quốc gia tại Paris – mà cứ theo truyền thuyết
thì là hình các ngôi nhà, dinh thự xây cất đời Khổng tử - chúng ta thấy rằng
trên hai mươi ba thế kỉ, kiến trúc Trung Hoa chỉ theo đúng những kiểu cũ,
không ưa những kích thước lớn. Có thể rằng dân tộc Trung Hoa có óc thẩm
mĩ thanh nhã, cho nên tránh những cái gì đồ sộ; cũng có thể trí thông minh
cản trở óc tưởng tượng của họ. Nhưng lí do quan trọng nhất là ngành kiến
trúc Trung Hoa không phát triển mạnh mẽ được vì thiếu ba điều kiện mà
hầu hết các dân tộc lớn thời Thượng cổ có đủ: một giai cấp quí tộc thế tập,
một giới tăng lữ có quyền lực, một chính quyền trung ương mạnh và giàu.
Đó là những thế lực xã hội bỏ tiền ra thực hiện những công trình nghệ thuật
lớn lao: đền đài, cung điện, giáo đường, hí viện, lăng tẩm, bích hoạ. Mà
Trung Hoa thì may mắn không có những thế lực ấy. Phật giáo chỉ chi phối
tâm hồn Trung Hoa trong một thời gian thôi, hồi đó một phần tài sản quốc