Đời Đường, môn hoạ rất thịnh. Đỗ Phủ bảo: “Hoạ sĩ ở triều đình cũng
nhiều như sao buổi sáng [?], nhưng rất ít người thực là nghệ sĩ”. Thế kỉ thứ
IX, Chang Yen-yuan viết một cuốn nhan đề là Các danh hoạ mọi thời trong
đó ông tả tác phẩm của ba trăm bảy mươi hoạ sĩ. Ông bảo một bức danh
tiếng thời đó có thể đáng giá hai vạn lượng bạc. Nhưng ông cảnh cáo chúng
ta đừng nên dùng tiền để đánh giá một bức hoạ. Ông bảo: “Những bức đẹp
còn quí hơn vàng hay ngọc, còn những bức xấu thì chẳng có giá trị gì cả”.
Chúng ta còn được biết tên hai trăm hai mươi hoạ sĩ đời Đường; nhưng hoạ
phẩm của họ đã mất hoặc gần mất hết rồi, vì bọn rợ Thổ Phồn
tàn phá
Trường An năm 756 [trong vụ loạn An Lộc Sơn] không để ý gì tới tranh cả.
Nhưng giai thoại dưới đây về Hàn Dũ có thể cho chúng ta một ý niệm về
không khí thơ và hoạ thời đó. Một người bạn cùng ở trọ với ông một hôm
tặng ông một tiểu hoạ bề mặt rất nhỏ mà trên đó vẽ được một trăm hai
mươi ba mặt người,
ba cỗ xe và hai trăm năm mươi mốt vặt lặt vặt khác.
Ông bảo: “Tôi rất phục công trình đó và không tin rằng một người có thể vẽ
được bấy nhiêu cái tuyệt đẹp, và tôi không muốn nhường tiểu hoạ đó cho ai
với bất kì giá nào”. Năm sau tôi rời thị trấn đó để lại Hà Dương; nhân nói
chuyện về nghệ thuật với những người lạ, tôi cho họ coi tiểu hoạ ấy. Trong
nhóm có một người tên là Chao làm chức đô sát, học rộng. Nhìn hình ấy,
ông ngạc nhiên, bảo tôi: “Hình này chính tôi đã vẽ hồi trẻ, bắt chước đúng
một tiểu hoạ ở Đồ hoạ viên
; hai chục năm trước tôi đã đánh mất nó khi
đi qua tỉnh Phúc Kiến”. Hàn Dũ vội vàng tặng lại nó cho ông ta.
Tôn giáo Trung Hoa chia làm hai ngành: một là Khổng, hai là Lão – Phật;
triết học cũng hai phái: Chu Hi và Vương Dương Minh; tức như ở phương
Tây, phái cổ điển và phái lãng mạn; môn hoạ cũng vậy có các nghệ sĩ
phương Bắc [Bắc tôn] vẫn giữ lối vẽ sơ sài, tiết độ của nghệ thuật cổ điển,
và các nghệ sĩ phương Nam [Nam tôn] tưởng tượng dồi dào tình cảm
phong phú, dùng nhiều màu sắc và hình thể. Bắc tôn rán vẽ đúng và rõ,
Nam tôn, như Montmartre ở Paris ngày nay, chống lại lối tả chân sơ sài đó.
Lí Tư Huấn, hoạ sĩ ở triều đình Đường Minh Hoàng, có thì giờ thành lập
được Bắc Tôn trong thời thăng trầm về chính trị và cảnh cô độc khi lánh