điện, vườn ngự uyển. Lúc đó bắt đầu xuất hiện những men sành đẹp mà
màu tô lên men rồi đem nung trong lò. Những đồ sứ màu vàng, màu lam,
và màu trắng (gọi là vỏ trứng) đạt tới mức tuyệt xảo; chiếc chén lam và
trắng đế bằng bạc, mang niên hiệu Vạn Lịch của vua Thần tôn (đời Minh)
là một trong những nghệ phẩm đẹp nhất của nghề làm đồ sứ. Trong số
những thợ khéo tay nhất đời Vạn Lịch phải kể Hao Shih-Chiu, người có thể
làm những cái chén rượu không nặng tới một gram. Một sử gia Trung Hoa
kể truyện Hao một hôm lại thăm một vị đại thần, xin phép được nhìn kĩ một
lư hương bằng sứ nổi tiếng là đẹp vào bậc nhất đời Tống, Hao rờ mó từ trên
xuống dưới, từ trong ra ngoài, rồi lén lút vẽ phác trên một miếng giấy giấu
trong áo. Sáu tháng sau Hao trở lại nhà vị đại thần ấy, thưa: “Đại nhân có
một chiếc lư hương bằng ting-yao
trắng; ngài muốn coi chiếc của tôi
không?”. Vị đại thần ấy so sánh hai chiếc thấy giống hệt nhau, cái nắp và
cái đế của chiếc mới cũng khít với chiếc cũ, Hao lúc đó mới mỉm cười thú
thật rằng chiếc mới chỉ là cóp lại chiếc cũ, bán cho vị đại thần đó lấy sáu
chục đồng bạc, ông này bán lại được một ngàn rưỡi đồng.
Dưới đời Minh, đồ sứ phát lam (cloisonné)
đạt tới mức khá nhất.
Người Trung Hoa không biết cách chế tạo, phải học của Byzance, và đôi
khi gọi thứ sứ đó là kuei-kuo-yao (quỉ quốc diêu) nghĩa là đồ gốm của nước
quỉ [quỉ trỏ phương Tây, như bạch quỉ = quỉ trắng = người Âu]. Kĩ thuật
như sau: cắt những miếng hẹp, mỏng bằng đồng, bạc hay vàng, đặt đứng
rồi gắn lại với nhau theo một hình đã vẽ sẵn trên một đồ bằng kim loại, như
vậy thành ra có nhiều “ngăn”, đổ men vào những ngăn ấy, bỏ vào lò nung
nhiều lần, sau cùng lấy ra dùng than củi đánh cho nhẵn bóng, và thếp vàng
lên bờ mép của các ngăn. Những đồ phát lam cổ nhất của Trung Hoa là vài
tấm gương nhập từ Nara (Nhật Bản) khoảng giữa thế kỉ VIII. Những đồ cổ
nhất rõ ràng chế tạo ở Trung Hoa có kí tên, thuộc về đời Nguyên; những đồ
nổi tiếng nhất thuộc về niên hiệu Chính Đức [Minh Vũ tôn 1506-1522].
Thời thịnh cuối cùng của đồ phát lam là thời các nhà vua Thanh ở thế kỉ
XVIII.