hiểu sự quí báu của văn minh, nó là di sản của mọi dân tộc chứ chẳng của
riêng dân tộc nào. “Lịch sử nhân loại như một dòng sông đôi khi đầy máu
và xác những người chém giết nhau, cướp bóc lẫn nhau; mà các sử gia chỉ
thường chép những hành động đó thôi. Nhưng trên bờ còn có những người
khác cất nhà, làm vườn, nuôi con, làm thơ”. Các sử gia khác bi quan vì
không nhìn lên bờ; ông sẽ chép công việc của những người xây cất trên bờ.
Việc phải làm thì làm, nếu cầu toàn thì không khi nào nên việc và hai ông
bà hăng hái làm việc mỗi ngày tới mười bốn giờ.
Nhưng như thế không có nghĩa rằng ông không thận trọng. Trái lại, như
trên tôi đã nói, ông di du lịch và nghiên cứu tám năm để tìm hiểu tâm hồn
người phương Đông; viết xong về sử phương Đông ông lại nhờ các nhà
chuyên về phương Đông coi lại bản thảo, chẳng hạn nhờ ông Ananda,
Coomaraswamy ở Viện Mĩ thuật Boston đọc phần về Ấn Độ, nhờ giáo sư
H.H. Gowen ở Đại học Washington và ông Upton Close coi lại hai phần về
Trung Hoa và Nhật Bản.
Mặc dù vậy, ông vẫn nhận rằng tác phẩm không thể nào hết lỗi mà chỉ một
mình ông chịu trách nhiệm. Và trong lời Mở đầu của toàn bộ, ông xin lỗi
trước các học giả Do Thái, Ả Rập, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản nếu những
điều ông viết về Yahveh, Allah, về triết lí Ấn Độ, Trung Hoa, về văn minh
Nhật Bản không làm vừa ý họ vì sơ lược quá.
Vợ con ông phải tiếp tay với ông. Gia đình ông ở Los Angeles, trên một
ngọn đồi cao nhìn xuống Hollywood. Hai ông bà, mỗi người có một phòng
nghiên cứu riêng và một phòng làm việc chung. Tài liệu nào, ông đọc xong
rồi cũng đưa bà đọc, mỗi người cùng ghi chép, suy nghĩ, sau họp nhau để
so sánh, bàn bạc rồi mới viết. Cứ theo các bảng Thư mục của ông thì ông
bà đã tra cứu khoảng 4000-5000 bộ sách để gom góp tài liệu. Cô con gái,