Hai bên con đường chánh dinh thự rất lớn… Đàn ông và đàn bà đều có vẻ
khoẻ mạnh, và xinh đẹp. Hầu hết bận đồ tơ lụa… Đàn bà rất đẹp, quen đời
sống kiều dưỡng, uỷ mị. Y phục và đồ trang sức của họ đắt tiền không
tưởng tượng nổi.
Bắc Kinh – hồi đó gọi là Cambaluc – còn làm cho Marco Polo thán phục
hơn nữa, ông ta không kiếm được tiếng để tả sự phong phú và đông dân của
thị trấn đó. Ông cho rằng mười hai khu ngoại ô còn đẹp hơn chính thành
phố, vì có vô số biệt thự của các thương nhân hào hoa, xa xỉ. Trong thị trấn
có nhiều khách sạn và hàng ngàn tiệm lớn nhỏ. Rất nhiều thực phẩm, và
mỗi ngày có cả ngàn bành tơ lụa chở tới để may cắt y phục. Mặc dù nhà
vua có nhiều hành cung ở Hàng Châu, Shangtu, và nhiều nơi khác nữa,
nhưng ở Bắc Kinh mới có những cung điện rộng lớn nhất. Cấm thành ở đây
có một bức tường bằng cẩm thạch bao chung quanh với những bực thang
cũng bằng cẩm thạch; điện chính rộng tới nỗi có thể “mời ăn một đám đông
người”. Marco khen cách sắp đặt các căn phòng, có cửa kính đẹp và trong
suốt, và các thứ ngói nhiều kiểu nhiều màu. Chưa bao giờ ông thấy một thị
trấn giàu có như vậy, một ông vua oai phong, rực rỡ như vậy.
Chắn chắn là Marco Polo học nói và đọc tiếng Trung Hoa, và có thể ông ta
đọc sử của các viên thái sử chép, mà biết được Hốt Tất Liệt và tổ tiên đã
chiếm Trung Hoa cách nào. Những đất ở gần biên giới tây bắc lần lần khô
cạn, riết rồi thành một sa mạc không nuôi nổi dân trong miền, do đó mà
người Mông Cổ (có nghĩa là can đảm) phải liều lĩnh mạo hiểm để chiếm
đất mới; họ thành công và tự thấy có tài chiến đấu, thích chiến tranh; nên
xông tới hoài để chiếm hết châu Á và một phần lớn châu Âu mới chịu
ngừng lại. Sử chép rằng ông chúa anh dũng của họ, Thành Cát Tư Hãn,
sanh ra đã có một hòn máu trong lòng bàn tay. Mới mười ba tuổi, ông đã
dùng chính sách khủng bố mà qui tụ được các bộ lạc Mông Cổ. Ông đóng
đinh tù binh vào một con lừa bằng gỗ, hoặc chặt họ thành từng khúc, hoặc
luộc sống họ trong những cái vạc lớn, hoặc lột sống da họ. Khi người ta
dâng lên ông một bức thư trong đó vua Tống Ninh Tôn [1195-1224] bảo