với mọi tôn giáo, ông học tiếng La tinh với các thầy tu giòng Tên và kiên
nhẫn chịu những thói kì cục của các con buôn ngoại quốc trong các thương
cảng. Sau một thời gian trị vì dài và nhân từ (1661-1722), ông lưu lại
những lời cuối cùng này như để từ biệt: “Trẫm ngại rằng, trong các thế kỉ
sau, Trung Hoa sẽ lâm nguy vì xung đột với các dân tộc phương Tây, vượt
biển để tới tận đây”.
Những vấn đề ấy mà nguyên nhân là sự phát triển của thương mại và sự
giao thiệp giữa Trung Hoa và châu Âu, lại tái phát dưới triều một ông vua
khác, cũng vào hạng minh quân, vua Càn Long. Càn Long làm 2.800 bài
thơ; Voltaire đọc được một bài vịnh trà bèn viết thư khen. Vài nhà truyền
giáo đã vẽ chân dung ông, dưới chép bốn câu thơ rất tầm thường này:
Mãi lo mọi việc của một chính quyền đáng khen,
Không lúc nào ngừng
Vị quân chủ lớn nhất thế giới này
Cũng lại là nhà văn học giỏi nhất trong đế quốc của ông.
Ông cai trị Trung Hoa suốt hai thế hệ (1736-1796), tám mươi lăm tuổi
nhường ngôi lại cho con, nhưng vì cá tính rất cao cường, nên vẫn điều
khiển việc nước cho tới khi mất, năm 1799. Trong mấy năm cuối cùng của
triều đại ông, xảy ra một biến cố khiến cho ai biết suy nghĩ cũng phải nhớ
lại lời tiên tri của Khang Hi. Nước Anh đem thuốc phiện vô bán ở Trung
Hoa, đã làm cho nhà vua bất bình rồi, năm 1976 phái một đoàn ngoại giao
do Macartney cầm đầu để đàm phán một thương ước với Càn Long. Họ
giảng những cái lợi cho Trung Hoa khi buôn bán với Anh, rồi còn bảo rằng
thương ước ấy chấp nhận sự ngang hàng giữa vua Anh và hoàng đế Trung
Hoa. Càn Long trả lời vua Georges III như sau:
Quả nhân coi thường những đồ vật kì dị hoặc khéo léo và không dùng gì tới
các sản phẩm chế tạo ở châu Âu. Nhà vua xin được cử một đại diện ở triều
đình quả nhân, lời xin đó trái với tục nhà Thanh, nếu quả nhân chấp nhận