rất nhiều dược phẩm, cách đây ba thế kỉ mà một tiệm thuốc trung bình bán
được mỗi ngày 15.000 quan Pháp. Phép chẩn bệnh có vẻ kì cục, có kẻ rởm
tả một vạn chứng nóng lạnh và phân biệt được hai mươi bốn thứ mạch
. Muốn ngừa bệnh đậu mùa người ta truyền đậu (inoculation) – chứ không
chủng đậu (vaccination) – chắc là bắt chước Ấn Độ; người ta dùng thuỷ
ngân để trị bệnh giang mai. Bệnh này hình như xuất hiện ở Trung Hoa vào
cuối đời Minh, lan tràn rất mau khắp nước và dân chúng hình như được
miễn dịch (immunisé) một phần nào, khỏi bị những biến chứng nặng nhất.
Vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân, phép phòng bệnh và môn giải phẩu thời
nay vẫn còn rất thô sơ; các thành phố không có cống để thoát nước dơ, nếu
có thì cũng sơ sài quá, và nhiều thành phố không có nước trong sạch để
uống, không biết tổ chức việc hốt rác, thực là thiếu hẳn những bổn phận sơ
đẳng của một xã hội có tổ chức.
Xà bông là một xa xí phẩm rất hiếm, rận chấy nhung nhúc, cho nên người
Trung Hoa nghèo phải kiên nhẫn chịu ngứa và tập gãi. Từ đời Tần Thuỷ
Hoàng tới đời Từ Hi thái hậu (cuối đời Thanh), y học Trung Hoa tiến bộ rất
ít, mà tây y từ Hippocrate tới Pasteur thì cũng vậy. Tây y theo đạo Ki Tô
mà vô Trung Hoa, nhưng hiện nay bệnh nhân vẫn theo đông y , chỉ đi bác sĩ
phương Tây khi nào cần phải mổ xẻ thôi.