IV. MỘT TÔN GIÁO KHÔNG CÓ GIÁO ĐƯỜNG
Tin dị đoan mà lại theo chủ nghĩa hoài nghi – Ma quỉ - Thờ Trời – Đạo
Khổng – Đạo Lão – Thuốc trường sinh – Đạo Phật – Bao dung tôn giáo và
chiết trung – Hồi giáo – Ki Tô giáo – Tại sao Ki Tô giáo thất bại ở Trung
Hoa?
Xã hội Trung Hoa không dựng trên một cơ sở khoa học mà dựng trên một
cơ sở kì dị, độc nhất vô nhị, gồm tôn giáo, luân lí và triết lí. Trong lịch sử
nhân loại không có dân tộc nào vừa tin dị đoan lại vừa có tinh thần hoài
nghi, vừa sùng kính quỉ thần, tổ tiên lại vừa có tinh thần duy lí, chống đối
tăng lữ, vừa không chịu ảnh hưởng của tăng lữ, lại vừa thờ nhiều thần thánh
như họ, trừ dân tộc Ấn Độ. Chỉ có cách này là giảng được những sự mâu
thuẫn ấy chăng? Triết gia của họ ảnh hưởng tới dân chúng không đâu bằng,
mà cảnh khốn cùng của dân chúng khiến họ có những hy vọng hão huyền,
hy vọng ở thần thánh.
Tôn giáo của những người đầu tiên ở trên đất Trung Hoa cũng giống những
tín ngưỡng của hầu hết các dân tộc “thiên nhiên” [tức những dân tộc sơ
khai]: họ sợ sệt tin có linh hồn, thờ những ma quỉ luôn luôn lởn vởn chung
quanh họ, họ kính trọng một cách ngây thơ mà nên thơ những hình thể làm
cho họ bối rối, và những năng lực sinh sản của đất đai, họ sùng bái trời vì
sức nóng của mặt trời và những trận mưa làm cho cây cỏ nẩy nở, khiến họ
nghĩ rằng có những liên quan thần bí giữa đời sống trên mặt đất với những
sức huyền bí của Trời. Họ thờ gió mưa, sấm sét, cây cối, núi đồi, rồng và
rắn, nhưng trong những cuộc lễ lớn, họ xưng tụng nhất phép màu sinh sản