nghệ hơi chậm vì các nhà tư bản ngoại quốc ngại các cuộc cách mạng, các
hỗn loạn xã hội, nối tiếp nhau hoài; lại thêm mỗi việc chuyên chở vừa khó
khăn, vừa đắt tiền; các nguyên liệu kiếm được tại chỗ không luôn luôn
thích hợp với nhu cầu chế tạo; mà người Trung Hoa lại có thói quen khả ái
này là đặt tình gia tộc lên trên cả, đưa bà con họ hàng vô làm trong xưởng,
trong phòng giấy, mà bọn đó thường không đủ năng lực. Sau cùng, thương
mại bị tê liệt vì các thứ thuế nội địa, thuế đoan, và tục hối lộ, tham nhũng;
mặc dầu vậy thương mại vẫn phát triển mau hơn kĩ nghệ và hiện nay đóng
một vai trò cốt yếu trong sự biến đổi nền kinh tế Trung Hoa
Kĩ nghệ mới đã tiêu diệt các phường và gây sự xáo trộn trong các tương
quan giữa chủ và người làm công. Xưa kia phường định số lượng và giá cả
sau khi có sự thoả thuận giữa chủ và thợ, mà không ai sợ có sự cạnh tranh
trong miền; nhưng từ khi sự chuyên chở tiện lợi hơn, thương mại phát triển
hơn, mà đâu đâu các hoá phẩm trong miền cũng bị đồ ngoại hoá cạnh tranh
thì không thể kiểm soát giá cả, qui định tiền lương được nữa nếu không
chịu phục tòng các nhà tư bản và các hãng cạnh tranh ngoại quốc. Các
phường do đó suy sụp, và bị thay thế bằng các phòng thương mại và các
nghiệp đoàn công nhân. Phòng thương mại viện ra những qui tắc trật tự,
trung tín, kinh tế tự do, còn nghiệp đoàn thì viện lẽ đói. Các vụ đình công
và tẩy chay ngoại hoá thường xảy ra nhưng những phong trào ấy bắt ngoại
nhân phải nhượng bộ chính quyền Trung Hoa hơn là phải tăng lương cho
thợ. Năm 1928, Sở Xã hội Trung Hoa ở Thượng Hải tính rằng tiền công
trung bình mỗi tuần của thợ dệt vào khoảng từ 26 tới 42 quan Pháp (cũ) đối
với đàn ông và từ 17 tới 27 quan đối với đàn bà. Trong các xưởng xay bột
đàn ông lãnh 29 quan mỗi tuần; trong xưởng xi măng, họ lãnh 26 quan; nhà
máy thuỷ tinh: 27,6 quan; nhà máy làm hộp quẹt: 32 quan; thợ giỏi lãnh 47
quan trong các nhà máy điện, 49 quan trong các xưởng chế tạo máy công