mà không đủ mạnh để chiếm hết Trung Hoa thì chính quyền không thể thu
thuế, không thu thuế được thì bắt buộc phải tuân lời những kẻ đã bỏ tiền ra.
Mặc dầu gặp nỗi khó khăn ấy, người ta cũng đã thực hiện được nhiều điều.
Trung Hoa đã giành lại được quyền kiểm soát thuế suất và kĩ nghệ (trừ vấn
đề đầu tư); đã thành lập, huấn luyện và cung cấp quân nhu cho một đạo
quân sau này có thể dùng để diệt những kẻ thù ngoại quốc; quyền uy của
chính phủ mỗi ngày một lan rộng, còn khu vực bị bọn ăn cướp làm tê liệt
kinh tế thì mỗi ngày một thu hẹp lại. Chỉ một ngày là làm xong một cuộc
cách mạng, nhưng phải cả một thế hệ để tạo nên một chính quyền thực sự
với một nền hành chánh hữu hiệu.
Trung Hoa lúc này sở dĩ thiếu thống nhất là do những mâu thuẫn trong tâm
hồn con người. Họ oán ghét người ngoại quốc không gì bằng, mà về chính
trị, họ lại bắt chước ngoại quốc. Họ biết rõ rằng thực ra Tây phương không
đáng cho họ trọng như vậy, nhưng vì tinh thần thời đại; vì phong trào tư
tưởng trên thế giới, họ bắt buộc phải bắt chước phương Tây: các quốc gia
bấy giờ một là phải kĩ nghệ hoá, hai là mất chủ quyền, chứ không còn
đường nào khác. Vì vậy mà ở miền Đông, người Trung Hoa đã Âu hoá
nhiều; từ đồng quê ra làm trong các xưởng ở thị trấn, bỏ áo dài mặc quần
hẹp, bỏ các điệu nhạc bình dị du dương thời xưa mà dùng thứ nhạc ồn ào
hơn chơi bằng kèn đồng (saxophone) của phương Tây, bỏ lối thẩm mĩ cổ
truyền về y phục, đồ đạc trong nhà hay nghệ thuật mà treo những bức tranh
của châu Âu, đóng những bàn giấy theo kiểu Mĩ xấu nhất. Đàn bà bỏ tục bó
chân từ Bắc tới Nam – nghĩa là theo chiều dài, từ ngón chân tới gót – mà lại
ép chân theo lối Âu từ Đông qua Tây – nghĩa là theo chiều ngang bàn chân.
Triết gia bỏ học thuyết duy lí nhã nhặn, kín đáo của Khổng tử, mà hăng hái
không kém các người thời Phục Hưng ở châu Âu, theo học thuyết duy lí
hung hăng của Nga, Anh, Đức, Pháp, Mĩ.