Thực ra, sự hạ bệ Khổng tử làm cho chúng ta nhớ lại thời Phục Hưng hoặc
thế kỉ XVIII; người ta chẳng những bài xích vị Aristote của Trung Hoa đó
mà còn chối bỏ luôn cả các thần thánh của nòi giống. Trong một thời gian,
chính quyền ngược đãi đạo Phật và các tăng hội; các nhà cách mạng Trung
Hoa cũng như các nhà cách mạng Pháp trước kia tỏ rõ thái độ tự do tư
tưởng, có ác cảm với tôn giáo, chỉ thờ lí trí thôi. Đạo Khổng bao dung các
tín ngưỡng trong dân chúng, có lẽ cho rằng hễ còn kẻ nghèo khổ thì còn
thần thánh; nhưng cách mạng tin chắc có thể diệt sự nghèo khó được, nên
không cần đến thần thánh. Đạo Khổng cho rằng trong xã hội nông nghiệp,
tổ chức gia đình và luân lí đạo Khổng cần thiết để giữ trật tự và sự an phận
cho dân chúng; cách mạng tin ở kĩ nghệ nên phải có một luân lí mới hợp
với đời sống thành thị và với chủ nghĩa cá nhân. Đạo Khổng đã đứng vững
được lâu vì ai muốn làm quan hay dạy học đều phải chấp nhận học thuyết
đó; nhưng nay chế độ khoa cử đã bãi bỏ, trong trường người ta không dạy
luân lí, triết lí chính trị nữa mà dạy khoa học, và con người ngày nay không
được đào tạo để làm quan nữa mà để làm trong kĩ nghệ. Đạo Khổng bảo
thủ, dung hoà được sự hăng hái của tuổi trẻ và sự thận trọng của tuổi già,
cách mạng chỉ biết có tuổi trẻ, và mỉm cười trước lời khuyên này của
Khổng tử: “Người nào cho những đê cũ là vô ích và phá bỏ đi thì một ngày
kia sẽ bị tai hại của nạn lụt lội”
.
Cách mạng dĩ nhiên đã bỏ quốc giáo, không còn tế trời tế đất nữa. Sự thờ
phụng tổ tiên còn được giữ nhưng mỗi ngày một thục lùi; đàn ông giao cho