kỉ XVIII và cách mạng Pháp của Phương Tây
. Hồ Thích mỉa mai người
phương Tây mê những “giá trị tinh thần” của châu Á, và cho rằng trong sự
tổ chức lại kinh tế và hành chánh để dân khỏi cùng khổ, còn có nhiều “tinh
thần” hơn tất cả cái “minh triết” của phương Đông. Ông ta cho Khổng tử là
“một ông rất già nua rồi”, và muốn hiểu tư tưởng Trung Hoa cho đúng thì
phải nghiên cứu kĩ những “tà giáo” ở các thế kỉ V, IV, III trước T.L, mà lịch
sử Trung Hoa đã đánh giá sai. Nhưng trong cơn lốc của “tân trào” ấy, mà
ông là một trong những người phát động hăng hái nhất, ông vẫn bình tĩnh
để nhận định được giá trị của cổ nhân, và ông đã nhận thấy rõ vấn đề căn
bản của nước ông lúc đó:
Nhất định là thiệt thòi lớn cho nhân loại xét chung, nếu sự thắng lợi của
nền văn minh mới này có nghĩa là đoạn tuyệt thình lình chứ không tiêu hoá
từ từ, mà hậu quả là nền văn minh cổ bị tiêu diệt. Vấn đề phải đặt ra như
vầy mới đúng: Làm sao chúng ta có thể tiêu hoá hoàn toàn văn minh hiện
đại để nó hoà hợp, không gián đoạn với văn minh cổ truyền của chúng
ta
Ngày nay, chỉ xét bề ngoài thì người ta có thể nghĩ rằng Trung Hoa có vẻ sẽ
không giải quyết vấn đề đó. Nhìn những cánh đồng hoang phế vì lụt hay vì
nắng hạn, những khu rừng bị tàn phá, những nông dân kiệt lực, rầu rĩ, nhìn
tử suất cao ghê gớm của con nít, tình trạng hư nhược của bọn nô lệ trong
các xưởng phải làm việc quá sức, nền thương mại đầy tham nhũng, nền kĩ
nghệ bị bọn tư bản ngoại quốc thao túng; xét thói hối lộ trong giới quan