trường, xét sự yếu kém của các phương tiện phòng vệ, và tinh thần đảng
phái chia rẽ dân chúng, thì người ta không thể tin rằng Trung Hoa lại sẽ
thành một cường quốc, có khả năng đồng hoá những kẻ xâm lăng mình như
ngày xưa, và có thể “sống đời sống riêng của mình” được. Nhưng nếu nhìn
xa hơn, rán nhìn dưới cái bề ngoài ấy thì chúng ta cũng thấy có những dấu
hiệu khôi phục, hồi sinh: quốc gia mênh mông, nhiều miền khác nhau,
nhiều khoáng sản cần cho kĩ nghệ ngày nay đó, tuy không giàu như
Richthofen
tưởng, nhưng chắc chắn là giàu hơn người ta nghĩ nếu chỉ
căn cứ vào kết quả các cuộc tìm mỏ khơi khơi trên mặt đất. Kĩ nghệ càng
tiến sâu vào nội địa, thì người ta sẽ càng gặp được nhiều mỏ kim loại và
nhiên liệu mà hiện nay người ta không ngờ rằng có
, cũng như cách đây
một thế kỉ, có ai ngờ đâu là Mĩ có nhiều thứ mỏ ấy. Dân tộc Trung Hoa sau
ba ngàn năm cứ vinh quang rồi suy tàn, chết rồi lại hồi sinh, bây giờ lại tỏ
ra có nhiều sinh lực về thể chất cũng như về tinh thần bằng những thời phú
cường nhất trong lịch sử họ; không có dân tộc nào lực lưỡng hơn, hoặc
thông minh hơn, mà thích ứng hoàn cảnh giỏi hơn, chống được bệnh tật
mạnh hơn, lấy lại sức mau hơn sau một tai hoạ hoặc những đau khổ lâu dài,
được lịch sử đào luyện cho đức bình tĩnh chịu đựng và kiên nhẫn chấn
hưng hơn. Không ai tưởng tượng nổi một dân tộc có thể chất và tinh thần
như vậy, có khả năng làm việc như vậy mà tận dụng công nghệ học trong kĩ
nghệ thì sẽ tiến được tới đâu trên đường văn minh. Rất có thể Trung Hoa sẽ
sản xuất được nhiều tài nguyên hơn Mĩ, và một lần nữa nó lại sẽ đứng đầu
thế giới về xa hoa và nghệ thuật sống như mấy lần trước kia trong lịch sử
của nó.
Không một thắng trận nào, không một chính sách áp chế tài chánh nào có
thể diệt được một dân tộc có một sinh lực và những phương tiện dồi dào
như vậy… Kẻ xâm lăng sẽ mất tiền toi và thối chí trước khi Trung Hoa mất