Will Durant
Lịch Sử Văn Minh Trung Hoa
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG I (2)
4. Buổi đầu văn minh Trung Hoa
Thời phong kiến – Một vị sư biểu – Tục lệ và pháp luật chống đối nhau –
Văn hoá và sự hỗn loạn – Các bài thơ tình trong Kinh Thi
Các tiểu quốc thời phong kiến ấy trong gần một ngàn năm tạo cho Trung
Hoa được một tổ chức chính trị đặc biệt. Chúng không phải do nhà Chu
nhất đán thành lập nên, mà lần lần thành hình từ lâu đời. Mới đầu trong
những cộng đồng canh tác thời sơ khai, có kẻ yếu người mạnh, một mặt kẻ
mạnh muốn nuốt lần kẻ yếu, mặt khác các bộ lạc phải họp nhau lại dưới sự
chỉ huy của một thủ lãnh, để bảo vệ đồng ruộng, khỏi bị các rợ xung quanh
xâm chiếm. Có thời người ta đếm được một ngàn bảy trăm “nước nhỏ” như
vậy, mỗi nước gồm một vòng thành chung quanh có đất trồng trọt, phía
ngoài là một vòng làng xóm có hào luỹ. Lần lần những nước nhỏ gom lại,
còn năm mươi lăm nước chư hầu chiếm khu vực mà ngày nay là tỉnh Hà
Nam và các miền lân cận thuộc các tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây, Sơn Đông.
Hai nước chư hầu mạnh nhất là Tề tạo được một chính thể đặc biệt cho
Trung Hoa – và Tần sau này chiếm tất cả các nước chư hầu khác, thống
nhất Trung Hoa, do đó mà Trung Hoa được phương Tây biết và gọi là nước
Tần (Chine, China)
.
Nhà tổ chức đại tài của Tề là Quản Trọng, tướng quốc của Tề Hoàn Công.
Mới đầu ông theo công tử Củ, anh hay em của Hoàn Công. Hai anh em
tranh ngôi nhau, trong một trận đánh, Quản Trọng suýt giết chết Hoàn
Công. Nhưng sau Hoàn Công thắng, bắt được Quản Trọng [tha tội cho], và