quyền đánh cá, khai thác các ruộng muối. Thương mại đã phát triển mạnh
trong các thị trấn, nuôi sống một giới thị dân khá phong lưu, được hưởng
nhiều tiện nghi của thời đại chúng ta, như giày da, áo len, áo lụa, đi xe ngựa
hoặc xe bò, đi thuyền; ở trong những ngôi nhà xây cất đẹp đẽ, ngồi ghế,
ngồi bàn, chén đĩa là đồ sành có hình, có màu đẹp đẽ; giới đó chắc chắn là
sống sung sướng hơn những người đồng thời của họ ở thành Athène dưới
thời Solon
hoặc thành Rome dưới thời Numa
Trong cái cảnh bề ngoài có vẻ loạn lạc, rối ren khắp nơi đó, đời sống tinh
thần của Trung Hoa giữ được một sinh lực mạnh mẽ khiến cho sử gia nào
quá vội vàng kết luận tất phải ngạc nhiên. Vì chính trong thời hỗn độn ấy,
dân tộc Trung Hoa đã dựng được cơ sở cho ngôn ngữ, văn học, triết học và
nghệ thuật; nhờ một chế độ kinh tế sáng suốt, đời sống được dễ chịu hơn;
văn hóa chưa bị đúc khuôn vì một truyền thống nghiêm khắc và một chính
quyền chuyên chế, cho nên tinh thần Trung Hoa gặp được những điều kiện
rất có lợi cho tài năng sáng tác. Ở triều đình mỗi vua chư hầu, trong vô số
thị trấn và làng mạc, người ta thấy thi sĩ ngâm thơ, thợ gốm nặn đồ, thợ đúc
đúc những bình rất đẹp, thư lại nắn nót chữ cho thật tốt, các nhà nguỵ biện
dạy cho thanh niên cả ngàn thuật biện thuyết, còn các triết gia thì than thở
về nhược điểm của loài người, về sự suy đồi của dân tộc
.
Trong những chương sau, chúng tôi sẽ nghiên cứu kĩ ngôn ngữ và nghệ
thuật Trung Hoa. Còn thi ca và triết lí thì đặc biệt thuộc về thời đại Tiên
Tần này, thời đại cổ điển của tư tưởng Trung Hoa. Phần lớn những bài thơ
làm trước Khổng tử đã thất truyền, chỉ còn lại những bài chính ông đã lựa
trong số những bài lưu hành ở thời ông. Những bài ấy gom lại trong bộ
Kinh Thi, từ những bài cổ nhất của đời Thương tới những bài ở thế kỉ thứ
VI trước T.L., nghĩa là bao quát một thời gian khoảng ngàn năm. Ba trăm lẻ
năm bài trong Kinh Thi rất cô đọng, không thể dịch được, dùng những hình
ảnh linh động, độc đáo để diễn lòng tôn sùng Thượng Đế và thần linh, tả
những nỗi khổ thời chiến tranh và tình âu yếm giữa trai gái. Đây, chúng ta
nghe lời than thở của một người lính phải xa gia đình đi tìm cái chết không