lo sợ. Một đại phu quỉ quyệt nước Tề dùng kế phản gián. Vua Tề gởi qua
Lỗ một đoàn mĩ nữ và 120 con ngựa tốt. Vua Lỗ say mê, không nghe lời
can gián của Khổng tử (…) bỏ bê việc nước, làm cho các quan đại phu bất
bình. Tử Lộ thưa với Khổng tử: “Lúc này thầy nên ra đi”. Bất đắc dĩ ông
phải từ chức, rời nước Lỗ và bôn ba các nước chư hầu trong mười ba năm,
sau này ông nhận thấy rằng “chưa thấy ai hiếu đức bằng hiếu sắc” [Luận
ngữ - Tử Hãn – 17], mà sự thực, về một vài phương diện nào đó, hoá công
đã lầm lẫn mà cho đức và sắc rất ít khi đi đôi với nhau.
Không được trọng dụng trong nước mình nữa, Khổng tử với một số môn
sinh thân tín đi lang thang từ nước này qua nước khác, có khi được tiếp đãi
trọng hậu, nhưng cũng có khi long đong, suýt nguy tới tánh mạng, hoặc bị
thiếu thốn. Hai lần ông và môn sinh bị cướp đánh, và một lần bị đói, tới nỗi
Tử Lộ phải phàn nàn rằng bậc quân tử sao mà bị trời đày đoạ như vậy. Vua
Vệ muốn giao quyền cho ông nhưng ông từ chối, không chấp nhận cách trị
dân của nhà vua
Một hôm thầy trò đi ngang qua nước Tề, gặp hai ông già chán cảnh sa đoạ
thời đó, từ quan về ở ẩn sống giản dị như Lão tử. Một ông nhận ra được
Khổng tử, trách Tử Lộ sao mà theo Khổng tử, bảo: “Ùa ùa như nước chảy
một chiều, thiên hạ đều như vậy cả, ai mà theo mình để sửa đổi loạn ra trị?
Anh chỉ theo một bực sĩ tránh người [ám chỉ Khổng tử vì Khổng tử xa lánh
bọn vua quan vô đạo], sao bằng theo bực sĩ lánh đời [nghĩa là bọn ẩn sĩ như
mình]. [Luận ngữ - Vi tử - 6]. Khổng tử suy nghĩ lâu về lời ấy, nhưng vẫn
hi vọng sẽ gặp một ông vua dùng mình để cải tổ xã hội cho hết loạn lạc
Sau cùng, ông đã sáu mươi chín tuổi, Ai Công nước Lỗ lên nối ngôi, phái
ba viên quan kiếm ông, tặng ông lễ vật và mời ông về nước. Trong năm
năm cuối cùng, ông sống giản dị, được mọi người quí trọng, thường được
nhà vua hỏi ý kiến, nhưng ông lánh việc triều đình, chỉ lo san lại các kinh
và viết một bộ sử về nước ông [tức bộ Xuân Thu].