Khổng tử lưu lại năm cuốn sách có vẻ như chính tay ông viết hoặc san định
mà người Trung Hoa gọi là ngũ kinh. Trước hết là cuốn Lễ kí chép những lễ
nghi thời trước để hàm dưỡng những tình cảm tốt và giữ trật tự cùng sự an
ổn trong xã hội. Rồi tới những thiên gọi là Thập dực để giải thích Kinh
Dịch, cuốn này là sự cống hiến thâm thuý nhất của Trung Hoa vào khu vực
tối tăm của siêu hình học mà ông vẫn tránh xa trong học thuyết của ông.
Cuốn thứ ba là Kinh Thi trong đó ông tuyển những bài ca, bài dao, để cho
người ta biết bản thể của đời sống ra sao, và phải theo qui tắc luân lí nào.
Sau đó tới cuốn Xuân Thu chép lại một cách thật vắn tắt, gần như không
thành câu, những biến cố quan trọng trong lịch sử nước Lỗ, quê hương của
ông. Tác phẩm chính của ông là cuốn thứ năm Kinh Thư, ghi lại những biến
cố và truyền thuyết về các thời vua cổ, thời mà Trung Hoa còn thống nhất
một phần nào và các nhà cầm quyền là những vị anh hùng, những vị hi sinh
cho dân, ông tin như vậy. Ông dùng cuốn ấy để đào tạo tư cách cho môn
sinh. Trong năm cuốn ấy ông không muốn làm công việc của một sử gia mà
chỉ nhắm việc dạy dỗ thanh niên, cho nên ông chỉ giữ lại những truyện
hoặc những sự kiện cổ nào có tính cách làm cho tâm hồn môn sinh cao
thượng lên; vậy chúng ta không nên coi những cuốn đó là lịch sử của Trung
Hoa chép một cách vô tư, theo tinh thần khoa học. Có chỗ ông tưởng tượng
ra những truyện, những đàm thoại chỉ để cho hợp với quan niệm đạo đức
của ông. Lí tưởng hoá dĩ vãng của dân tộc ông như vậy, ông hành động
cũng y hệt như ta ngày nay khi chúng ta đề cao những vị quốc trưởng mới
cách chúng ta chưa đầy một thế kỉ khiến trong khoảng ngàn năm nữa họ
cũng sẽ thành những vị thánh minh triết như Nghiêu, Thuấn hết.
Người Trung Hoa thêm vào ngũ kinh đó bốn cuốn nữa gọi là Tứ thư, cộng
hết thảy là chín cuốn. Cuốn đầu và là cuốn quan trọng nhất trong tứ thư là
cuốn Luận ngữ không do Khổng tử viết, mà do các môn đệ ông viết ít chục
năm sau khi ông mất, để ghi lại bằng một giọng văn cô đọng và sáng sủa
những ý kiến của ông, cùng những lời ông dạy bảo. Cuốn ấy là cuốn đáng
tin nhất để tìm hiểu triết lí của ông. Cuốn thứ nhì là cuốn Đại học. Chương