không biết gì về hình-thức-luận-lí-học (logique formelle) mà biết suy nghĩ
sáng suốt và không lạc ra ngoài vấn đề. Điều ông dạy đầu tiên là tư tưởng
cùng ngôn ngữ phải sáng sủa, thành thực: “Lời nói, miễn diễn đúng ý tưởng
là đủ” [Luận ngữ - Vệ Linh công – 40]; bài học ấy, môn triết học không
luôn luôn theo đúng.
“Biết điều gì thì giữ đúng điều ấy
, không biết nhận là không biết; như
vậy là thật biết” [Luận ngữ - Vi Chính – 17]. Vì thiếu thành thực mà tư
tưởng hoá tối tăm, ngôn ngữ thiếu chính xác, đó là cái hại lớn cho quốc gia.
Vua không ra vua thì đừng gọi là vua nữa, cha không ra cha thì đừng gọi là
cha nữa, con không ra con thì đừng gọi là con nữa, chỉ có như vậy thì người
ta mới không núp sau danh từ mà làm bậy. Cho nên khi Tử Lộ hỏi ông:
“Nếu vua nước Tề đợi Thầy về để giúp ngài trị nước thì Thầy sẽ làm gì
trước hết?”, ông đáp: “Tất phải làm cho chính danh đã”, khiến Tử Lộ rất
đỗi ngạc nhiên.
Vì ông chỉ ham áp dụng đạo của ông vào việc cư xử và trị nước, cho nên
ông lánh phần siêu hình học, rán gạt các thuyết tối tăm, mù mờ đi, không
cho môn sinh nghĩ tới. Mặc dầu đôi khi ông cũng nói đến Trời và việc cúng
vái [như Luận ngữ - Bát dật – 13] và khuyên môn sinh phải giữ đúng tục tế
lễ tổ tiên và các thần của quốc gia, nhưng khi môn sinh hỏi về thần học thì
những câu trả lời của ông có tính cách phủ nhận, cho nên các học giả ngày
nay đều coi ông là có chủ trương bất khả tri [nghĩa là chủ trương rằng con
người không hiểu nỗi những cái tuyệt đối như có Thượng đế không, có linh
hồn bất tử không, ai sinh ra loài người…]. Khi Tử Cống hỏi: “Người chết,
còn biết không?”, ông không trả lời một cách quả quyết
. Khi Quí Lộ
hỏi về đạo thờ quỉ thần, ông bảo: “Đạo thờ người còn chưa biết, sao biết
được đạo thờ quỉ thần”. Quí Lộ lại hỏi thêm: “Xin thầy cho biết về sự
chết”, ông đáp: “Sự sống còn chưa biết, biết sao được sự chết” [Luận ngữ -
Tiên tiến – 11]. Phàn Trì hỏi thế nào là “trí” [sáng suốt], Khổng tử đáp:
“Chuyên làm việc nghĩa giúp người, kính trọng quỉ thần, nhưng xa ra, như
vậy có thể gọi là trí” [Luận ngữ - Ung dã – 20]. Môn sinh của ông bảo ông